Các nước vận hành đường dây nóng về bạo hành trẻ em thế nào?

Việc báo các trường hợp nghi vấn bạo hành trẻ em từ sớm được coi là bước đầu ngăn ngừa mối nguy hiểm có thể xảy ra với các nạn nhân. Trên thế giới, nhiều nước đã vận hành hiệu quả đường dây nóng tố giác bạo hành trẻ em.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: RT

Anh

Cảnh sát Anh nhấn mạnh nếu người dân nghi ngờ về trường hợp bạo hành trẻ em, ngay cả khi chưa chắc chắn 100%, họ vẫn có thể đề cập lo ngại đến cơ quan chức năng qua đường dây nóng số 999. Chính các nạn nhân cũng có thể gọi đến số 999 này. Trong trường hợp người báo cáo gặp vấn đề về nghe và nói, họ có thể nhắn tin đến tổng đài 18000.

Cảnh sát Anh cũng nhấn mạnh người tố giác còn có thể đến đồn cảnh sát để trao đổi trực tiếp. Hoặc họ còn có lựa chọn khác là liên hệ với cơ quan bảo trợ xã hội trẻ em tại hội đồng địa phương.

Sau khi nhận được cuộc gọi tố giác, thám tử đặc biệt sẽ tham gia điều tra. Cả người tố giác và trẻ em bị nghi vấn bạo hành sẽ không buộc phải làm những điều họ không thoải mái. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát sẽ có hành động nếu họ cho rằng đứa trẻ thực sự gặp nguy hiểm.

Singapore

Đường dây nóng chống bạo lực quốc gia Singapore hoạt động 24/24 giờ từ thứ Hai đến Chủ nhật với số 1800-777 0000. Kể từ 18/1/2021, đường dây nóng này tiếp nhận cả thông tin nghi ngờ về bạo hành trẻ em.

Người gọi tố giác đến số 1800-777 0000 được đề nghị cung cấp tối đa thông tin họ nắm được để hỗ trợ cơ quan chức năng. Những thông tin hữu ích bao gồm miêu tả về thương tích, địa điểm xảy ra vụ việc; thời gian và bằng cách nào người tố giác nhận ra hành động bạo hành; tên, tuổi và địa chỉ của đứa trẻ; tên, tuổi và mối quan hệ với nạn nhân của nghi phạm bạo hành trẻ em; tên và chi tiết để liên hệ của người tố giác.

Australia

Đường dây nóng tố giác vụ việc bạo hành hoặc bỏ mặc trẻ em của Australia là số 131478. Đường dây nóng này hoạt động 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần.

Cơ quan chức năng Australia cũng đề nghị người tố giác cung cấp tối đa thông tin họ nắm được về tên, tuổi, địa chỉ của trẻ em nghi bị bạo hành; miêu tả về vết thương hoặc tình trạng bị bỏ mặc của các em; tình hình hiện tại của em nhỏ; địa chỉ cha mẹ, người chăm sóc và nghi phạm bạo hành trẻ em; thời điểm và phương thức người tố giác nhận diện được tình hình bạo hành.

Một khi nhận được thông báo tố giác, nhân viên xã hội của đường dây nóng có trách nhiệm xác định về nền tảng pháp lý để có sự can thiệp của Bộ Bảo vệ Trẻ em; sự cần thiết để bộ này can thiệp và cách thức phản hồi.

Hà Linh/Báo Tin tức
Nhân vật 'siêu anh hùng' ngoài đời thực ở Tonga
Nhân vật 'siêu anh hùng' ngoài đời thực ở Tonga

Một người đàn ông 57 tuổi ở Tonga đã được cộng đồng mạng xã hội nước này coi là "siêu anh hùng" ngoài đời thực sau khi vẫn sống sót sau 27 giờ lênh đênh trên biển do bị sóng thần cuốn đi sau đợt phun trào mạnh mẽ của núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai hôm 15/1. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN