Hành lang Philadelphi, hay còn gọi là trục Salah Al Din, được xác định là một phần quan trọng trong bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine. Ai Cập đã tuyên bố không chấp nhận bất kỳ sự hiện diện nào của quân đội Israel tại Hành lang Philadelphi và yêu cầu trở lại nguyên trạng như trước thời điểm bùng phát xung đột ở Gaza hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần tuyên bố sẽ không cân nhắc việc chấm dứt sự hiện diện của quân đội Israel ở khu vực này. Trước đó, ngày 3/9, Mỹ tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc rút hoàn toàn lực lượng Israel khỏi Hành lang Philadelphi. Điều này cho thấy Mỹ và Israel đang có sự khác biệt về lập trường trong vấn đề này.
Các quốc gia Arab trong khu vực, bao gồm UAE, Saudi Arabia, Qatar và Oman, đã chỉ trích lập trường của ông Netanyahu về Hành lang Philadelphi và bày tỏ sự đoàn kết với Ai Cập. Bộ Ngoại giao UAE đã chỉ trích những tuyên bố của Israel liên quan đến Hành lang Philadelphi. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao UAE yêu cầu Israel kiềm chế và tránh làm gia tăng thêm căng thẳng và bất ổn trong khu vực, khẳng định rằng nước này kiên quyết phản đối mọi hành vi vi phạm các nghị quyết quốc tế và có nguy cơ làm tình hình leo thang.
Bộ Ngoại giao Oman cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Ai Cập về Hành lang Philadelphi và phản đối các tuyên bố của Israel liên quan đến khu vực này. Trong khi đó, Saudi Arabia cảnh báo Israel rằng việc nước này kiên quyết nắm quyền kiểm soát Hành lang Philadelphi và đưa ra các tuyên bố được cho là mang tính khiêu khích có thể làm chệch hướng các nỗ lực hòa giải nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.