Các nước tìm cách duy trì cuộc sống bình thường mới

Chính phủ Anh ngày 13/10 đưa ra một quy định mới, theo đó không bắt buộc những người dễ bị tổn thương trước dịch COVID-19 tại England phải ở trong nhà như trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất, thay vào đó khuyến cáo họ tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch để có thể tiếp tục cuộc sống trong trạng thái bình thường mới.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê, từ đầu năm nay, trên 2 triệu người đang bị các bệnh như ung thư, hen suyễn và viêm khớp tại Anh đã phải ở trong nhà nhiều tháng. Tuy nhiên, theo quy định mới, chỉ những người dễ bị tổn thương đang sống tại "các khu vực có nguy cơ lây nhiễm đặc biệt cao" mới cần ở trong nhà, không đi làm hay đi học, và tránh tiếp xúc với người khác.

Bộ Y tế Anh cho biết thông báo mới của chính phủ đồng nghĩa với việc mọi người sẽ làm theo khuyến cáo đặc biệt tùy theo tình hình dịch bệnh ở địa phương, "đảm bảo rằng họ cũng có thể duy trì cuộc sống bình thường của mình" trong khi tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

* Cùng ngày, nhà chức trách Cuba cũng thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế sau 7 tháng áp dụng nhằm chống đại dịch COVID-19, theo đó các cửa hàng, cửa hiệu và cơ quan công sở được mở cửa trở lại, đồng thời các sân bay cũng được mở cửa đón khách du lịch tới hòn đảo xinh đẹp này nhằm trở lại cuộc sống bình thường và thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn là quy định bắt buộc, dù không còn áp dụng cách ly đối với những người có tiếp xúc với các ca nghi nhiễm.

Thị trấn nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng Varadero sẽ mở cửa cho du khách nước ngoài từ ngày 15/10 tới. Mọi du khách đến Cuba sẽ bắt buộc phải xét nghiệm và được giám sát dịch tễ trong thời gian nghỉ dưỡng trên đảo. Tuy nhiên, một số biện pháp hạn chế vẫn được duy trì tại thủ đô La Havana, nơi dịch tái bùng phát từ tháng 8. Trường học ở thủ đô có thể chưa được mở lại vào tháng 11 tới, trong khi lớp học ở các nơi khác đã nối lại từ tháng trước.

Quy định mới được đưa ra sau khi nhà chức trách Cuba nhận thấy sự cần thiết phải tái kích hoạt nền kinh tế bị tác động của các biện pháp hạn chế chống dịch cũng như các biện pháp trừng phạt của Mỹ gần đây.

Phát biểu trên truyền hình tối 13/10, Phó Thủ tướng Alejandro Gil cho biết: "Chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan giữa y tế và kinh tế như hiện nay. Ưu tiên luôn là sức khỏe của mọi người, song tình hình kinh tế cũng đang rất căng thẳng".

Theo ông Gil, 250.000 trong số 600.000 chủ doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì dịch, trong khi 150.000 người lao động bị ảnh hưởng. Đại dịch đã "đóng băng" ngành du lịch trị giá 2 tỷ USD rất quan trọng của Cuba. Trong khi đó, nông nghiệp, vận tải và kiều hối cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Đến nay, hòn đảo với trên 11 triệu dân này đã ghi nhận khoảng 6.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó trên 120 ca tử vong. Hiện dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát tại hầu hết các tỉnh của Cuba. Chủ tịch Miguel Diaz-Canel tuần trước thông báo một số tỉnh đã không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong nhiều tháng.

Bích Liên (TTXVN)
Trong dịch COVID-19, nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất
Trong dịch COVID-19, nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất

Ngày 17/8/2020, tại Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2020 của Chương trình phòng, chống lao Quốc gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trên thế giới đã giảm 25%. Tại Việt Nam, tỷ lệ này cũng đã giảm 11%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN