Những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và việc hàng triệu người tử vong trong đại dịch COVID-19 đã dẫn đến nhiều lời kêu gọi thiết lập những cơ chế phòng thủ quốc tế mới có khả năng ngăn ngừa thảm họa trong tương lai. Tháng 12/2021, 194 nước thành viên WHO đã quyết định triển khai đàm phán và vạch ra lộ trình xây dựng một công cụ quốc tế mới về ngăn ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INB) đã tổ chức phiên họp thứ hai trong tuần này tại Geneva, Thụy Sĩ. Trong tuyên bố, WHO cho biết các thành viên INB đã nhất trí sẽ cố gắng hoàn tất một thỏa thuận quốc tế về đại dịch có tính ràng buộc về pháp lý. Cũng giống như những công cụ quốc tế khác, bất kỳ thỏa thuận mới nào đã được nhất trí bởi các nước thành viên, cũng sẽ được phác thảo và đưa ra thảo luận riêng trong các chính phủ và sau đó mỗi nước sẽ hành động theo đúng chủ quyền.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh quyết định, khẳng định điều này sẽ giúp bảo vệ các gia đình và cộng đồng. Theo ông, một công cụ có tính ràng buộc pháp lý sẽ là di sản chung cho các thế hệ tương lai.
Trong khi đó, đồng Chủ tịch INB Precious Matsoso nhận định quyết định này là một bước quan trọng trong nỗ lực phối hợp chung của các nước. Hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề cần vượt qua, đòi hỏi sự đồng lòng giữa các quốc gia.
INB đang hướng tới việc đảm bảo công tác chuẩn bị hiệu quả hơn và việc ứng phó một cách công bằng hơn trước các đại dịch trong tương lai. Dự kiến cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 12, với việc công bố báo cáo tiến độ lên Đại Hội đồng Y tế thế giới 2023, cuộc họp thường niên của các nước thành viên WHO. Các nước hiện đang nỗ lực hoàn tất thỏa thuận vào tháng 5/2024.
Từ nay cho tới hạn chót đề ra, các nước cần phải giải quyết bất đồng về phạm vi cam kết liên quan đến việc phân phối vaccine công bằng, chia sẻ kiến thức, tài chính, cơ chế giám sát và thẩm quyền điều tra các đợt bùng phát. Một vấn đề quan trọng là liệu các nước có muốn trao thêm quyền lực cho WHO để điều tra nguồn gốc các đợt bùng phát hay không. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng việc thiếu chia sẻ dữ liệu vào đầu đại dịch COVID-19 chính là một trở ngại lớn.
Trợ lý Bộ trưởng về các vấn đề toàn cầu thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Loyce Pace cho biết Mỹ sẵn sàng tham gia vào việc giải quyết vấn đề liên quan công tác chuẩn bị và ứng phó đại dịch. Washington mong muốn một cơ chế có thể hoạt động hiệu quả trên toàn cầu, do đó sẽ ủng hộ hiệp ước quốc tế trên bất kể thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý hay không.