Phát biểu ngày 24/8, Thứ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Patrick Graichen cho biết: "Chỉ 50% số nhà máy điện hạt nhân của Pháp đang hoạt động. Đó là lý do chúng tôi, cũng như Italy và những nước khác, về cơ bản đều xuất khẩu (điện) sang Pháp. Đó là cách mà thị trường điện ở châu Âu vận hành". Tại Đức, nguồn khí đốt tự nhiên mà nước này đang cố gắng tiết kiệm để sưởi ấm cho mùa Đông tới - trong trường hợp Nga cắt hoàn toàn nguồn cung - đang được đốt với khối lượng lớn để sản xuất điện xuất khẩu sang Pháp.
Các nhà máy điện hạt nhân của Pháp ngừng hoạt động đã khiến giá điện ở nước này tăng cao trong những tháng gần đây. Trước tình trạng này, các công ty điện ở các nước láng giềng đã bán lượng điện dư thừa cho Pháp để giúp tăng nguồn cung. Theo các nhà phân tích, đây là một dấu hiệu khác của cuộc khủng hoảng năng lượng đang bao trùm châu Âu.
Trong khi đó, Đức đang nỗ lực tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc trong mùa Đông. Theo các biện pháp được Chính phủ Đức thông qua ngày 24/8, các tòa nhà công cộng tại Đức sẽ giảm nhiệt sưởi ấm và đường phố sẽ ít đèn hơn trong những ngày Đông sắp tới. Kể từ ngày 1/9, các tòa nhà công cộng, ngoại trừ các cơ sở như bệnh viện, nhà dưỡng lão được duy trì nhiệt độ sưởi tối đa 19 độ C, toàn bộ hệ thống sưởi ở hành lang và tiền sảnh được yêu cầu tắt. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cửa hàng không được phép bật đèn chiếu sáng mặt tiền vào ban đêm.
Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và các quốc gia khác cũng đã thông qua các biện pháp tương tự để tiết kiệm khí đốt tự nhiên.
Việc Đức cung cấp điện cho các nước láng giềng là một yếu tố được đưa vào trong báo cáo nghiên cứu dự kiến công bố vào tuần tới, là cơ sở để xác định liệu chính phủ có gia hạn giấy phép hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này hay không. Quyết định này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân của Đức trong năm nay.