Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Nội dung này được đưa ra trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa các nhà ngoại giao nhóm E3 và Liên minh châu Âu (EU) với người đồng cấp Iran Abbas Araghchi kể từ khi Israel và Mỹ không kích một số cơ sở hạt nhân của Iran giữa tháng 6 vừa qua.
Bộ Ngoại giao Pháp thông báo các ngoại trưởng đã thông báo với ông Araghchi rằng sẽ áp dụng cơ chế tái áp đặt trừng phạt (snapback) nếu Iran không đạt tiến triển cụ thể hướng tới thỏa thuận về chương trình hạt nhân của nước này từ nay đến cuối Hè. Cơ chế này cho phép khôi phục toàn bộ các biện pháp trừng phạt của quốc tế từng được dỡ bỏ theo Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga và Trung Quốc) vào năm 2015. Theo bộ trên, nhóm E3 đang gây sức ép buộc Iran lập tức quay lại con đường ngoại giao để đạt “một thỏa thuận mạnh mẽ, có thể kiểm chứng và bền vững” về chương trình hạt nhân.
Các nhà ngoại giao châu Âu đang hối thúc Iran đạt tiến triển trong đàm phán hạt nhân trước thời hạn chót cuối tháng 8 do quy định tái áp đặt trừng phạt sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 tới. Việc kích hoạt cơ chế này sẽ mất khoảng 30 ngày.
Với sự trung gian của Oman, Iran và Mỹ đã tiến hành một số vòng đàm phán gián tiếp về chương trình hạt nhân kể từ tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, tiến trình này bị gián đoạn sau khi đêm 12/6, Israel tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhiều mục tiêu quân sự và hạt nhân của Iran. Tiếp đó, đêm 21/6, Mỹ cũng tiến hành một đợt không kích lớn nhằm vào các cơ sở hạt nhân trọng yếu của Nhà nước Hồi giáo. Đáp lại, Iran cũng không kích lãnh thổ Israel và tấn công căn cứ quân sự Mỹ tại Qatar. Sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngày 24/6, cả Iran và Mỹ đều đánh tín hiệu sẵn sàng quay lại bàn đàm phán, dù Tehran tuyên bố sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình.