Cửa hàng đậu phụ của ông Takashi Kurosawa, 53 tuổi, ở thủ đô Tokyo là một trong số khoảng 42% cửa hàng quy mô vừa và nhỏ ở Nhật Bản đang kinh doanh thua lỗ trong tài khóa 2022 (kết thúc vào tháng 3/2023). Trong tài khóa trước, 47% số cửa hàng đậu phụ quy mô vừa và nhỏ thua lỗ, theo số liệu khảo sát gần đây của hãng nghiên cứu Teikoku Databank. Ông Kurosawa cho biết không chỉ đậu nành mà cả khay nhựa và màng bọc bao bì sản phẩm cũng tăng giá.
Đậu phụ, được bán trong các siêu thị và cửa hàng nhỏ quy mô gia đình ở Nhật Bản, rất được ưa chuộng ở nước ngoài do đây được xem là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, ít chất béo và giàu protein. Mặc dù thị trường đậu phụ đã sụt giảm kể từ khi đạt mức đỉnh 338 tỷ yen (2,5 tỷ USD) vào tài khóa 2016, nhưng giá thị trường này hiện vẫn duy trì trên 300 tỷ yen, do ngày càng nhiều người nấu ăn ở nhà do đại dịch COVID-19.
Một số cửa hàng đã báo cáo doanh thu tăng nhờ doanh số các sản phẩm đậu phụ mới như thanh protein được quảng cáo là các sản phẩm thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đậu phụ đang gặp khó khăn trong việc thu lợi nhuận do giá đậu nành nhập khẩu tăng cao, trong khi họ không thể tăng giá thành sản phẩm phân phối cho các siêu thị bởi siêu thị thường đưa ra mức giá phải chăng cho khách hàng.
Theo Teikoku Databank, từ đầu năm đến nay, giá đậu nành sản xuất ở nước ngoài ước tính đã tăng 30% so với năm 2021 và tăng 75% so với năm 2015 do tác động của xung đột tại Ukraine, đồng yen yếu hơn và nhập khẩu tăng từ Trung Quốc. Mặc dù chi phí sản xuất tăng cao, nhưng giá trung bình của đậu phụ vẫn ở mức khoảng 60 - 70 yen/300 gram, gần như bằng với năm 2015. Kết quả là giá nhập đậu nành hiện chiếm khoảng 12% giá bán của một bìa đậu phụ, tăng mạnh từ mức 6 - 7% giai đoạn trước năm 2020.
Không chỉ đậu nành nhập khẩu, giá đậu nành sản xuất ở Nhật Bản cũng tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các cửa hàng kinh doanh đậu phụ.