Các công ty công nghệ Trung Quốc ‘mắc kẹt’ trước trừng phạt của Mỹ chống Nga

Các công ty công nghệ Trung Quốc rơi vào tình thế khó xử trước lệnh trừng phạt của phương Tây chống Nga, bởi nếu tuân theo Mỹ sẽ lại gặp khó với chính sách sách của nhà chức trách.

Chú thích ảnh
Máy tính cá nhân của Lenovo có sử dụng chip từ các nhà cung cấp Mỹ. Ảnh: Reuters

Việc Mỹ cấm vận xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Nga đang tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, từ hãng đặt xe Didi Chuxing cho tới tập đoàn điện thoại Xiaomi.

Tuân thủ ngay lệnh trừng phạt sẽ đặt những công ty, doanh nghiệp này vào thế đối lập với chính sách chính thức của Chính phủ Trung Quốc về phản đối cấm vận, trừng phạt nhằm vào Nga, đồng thời tạo ra tâm lý tức giận đối với người tiêu dùng dùng trong nước có thiên hướng ủng hộ Nga.

Ngày 21/2, ba ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hãng ứng dụng gọi xe Didi ra thông báo ngừng hoạt động tại Nga. Didi giải thích quyết định này là do hoạt động khó khăn, lợi nhuận kém sau khi đưa chi nhánh ở Nga đi vào hoạt động hơn một năm rưỡi trước đây. Nhưng một bộ phận công chúng đại lục cho rằng quyết định của Didi là có “toan tính chính trị” và hãng này “thông đồng với trừng phạt phương Tây”.

Đối mặt với sức ép trong nước, Didi ngày 26/2 đã phải đảo ngược quyết định của mình, khi đưa ra thông cáo chính thức trên mạng xã hội Weibo, khẳng định hãng chuyên về ứng dụng đặt xe này sẽ không đóng cửa dịch vụ tại Nga và trong tương lai sẽ tiếp tục hoạt động ở thị trường Nga, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Nhưng nếu phớt lờ trừng phạt cũng như các lệnh cấm thương mại của phương Tây nhằm vào Nga, doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc cũng lại đứng trước nguy cơ gặp rắc rối về pháp lý trong các hoạt động, giao dịch tại thị trường Mỹ và châu Âu.

Khác với các tập đoàn công nghệ phương Tây, các công ty công nghệ Trung Quốc đến thời điểm này vẫn giữ yên lặng trước câu hỏi liệu họ có ngăn Nga tiếp cận các sản phẩm bán dẫn và công nghệ tiên tiến vốn rất cần thiết cho các ngành công nghiệp quốc phòng, công nghệ sinh học hay hàng không vũ trụ hay không.

Theo lệnh trừng phạt xuất khẩu của Mỹ nhằm vào Nga, mọi sản phẩm công nghệ được chế tạo ở nước ngoài có sử dụng máy móc, phần mềm, thiết kế của Mỹ sẽ không được phép xuất khẩu vào Nga. Những công ty ở Đài Loan/Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố sẽ tuân thủ trừng phạt Nga.

Còn tại Trung Quốc, tập đoàn sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới Lenovo đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích sau khi xuất hiện thông tin cho rằng hãng này ngừng bán hàng sang Nga, như cách mà đối thủ Dell, Intel của Mỹ đã làm. Lenovo chưa đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề này. Hãng chế tạo chip lớn nhất Trung Quốc SMIC cũng giữ im lặng trong chính sách cung ứng hàng hóa sang Nga.

Đề cập đến xung đột tại Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 28/2 cho biết Bắc Kinh không ủng hộ việc sử dụng trừng phạt để xử lý khủng hoảng và phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương không dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế.

Nhưng quan điểm này không giúp các công ty Trung Quốc cảm thấy nhẹ nhõm hơn trước sức ép từ Mỹ. Huawei và ZTE Corp đều đã bị Mỹ trừng phạt mạnh tay trong những năm qua do bị quy kết vi phạm trừng phạt, cấm vận của Washington nhằm vào bên thứ ba, như Iran.

Huawei hôm 31/12/2021 cho biết doanh thu năm của tập đoàn này đã giảm 29% so với năm 2020,. Một phần nguyên nhân dẫn đến giảm doanh số là  ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ đã ảnh hưởng đến doanh số bán điện thoại thông minh (smartphone) của tập đoàn này.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (SCMP, Protocol)
Xung đột ở Ukraine khiến các tập đoàn công nghệ kẹt giữa Nga và phương Tây
Xung đột ở Ukraine khiến các tập đoàn công nghệ kẹt giữa Nga và phương Tây

Google, Meta, Twitter, Telegram và các tập đoàn công nghệ khác đang rơi vào thế khó trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, bị kẹt giữa các yêu cầu từ Ukraine, Nga, Liên minh châu Âu và Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN