Cuộc đình công kéo dài hơn 3 tuần qua đã ảnh hưởng lớn đến 5 bệnh viện đa khoa lớn ở Seoul, trong đó có Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (SNUH), Trung tâm Y tế Asan. Doanh thu của cả SNUH và Trung tâm Y tế Asan đã sụt giảm khoảng 1 tỷ won/ngày ( 751.868 USD) do các cuộc đình công này, thậm chí SNUH mới đây đã phải tăng gấp đôi quy mô hạn mức tín dụng ngân hàng của mình lên 100 tỷ won. Không chỉ vậy, các bệnh viện đa khoa tư nhân vốn đang khó khăn cùng phải tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ. Một quan chức của Bộ Giáo dục cho biết bộ này đã nhận được đề xuất từ một số bệnh viện đại học tư nhân về việc mở rộng chương trình cho vay của chính phủ dành cho các trường đại học tư nhân.
Hiện nay, Quỹ Phát triển Trường học Hàn Quốc của Bộ Giáo dục đang quản lý chương trình cho vay trị giá 60 tỷ won để tài trợ các dự án xây dựng hoặc mua cơ sở vật chất và thiết bị y tế cho các bệnh viện đại học tư nhân. Lãi suất hằng năm của chương trình ở mức 2,67%, thấp hơn nhiều so với lãi suất thị trường vào khoảng 5,22%. Tuy nhiên, quan chức này nêu rõ chính phủ không thể chấp thuận ngay yêu cầu trên vì việc này nó liên quan đến ngân sách vốn đòi hỏi sự tham vấn của Bộ Tài chính Hàn Quốc.
Trong bối cảnh này, một số bệnh viện đa khoa trên toàn quốc đã đưa ra các chương trình nghỉ phép không lương và chấp nhận đơn xin việc của các nhân viên không phải bác sĩ, chẳng hạn như y tá và nhân viên trong bộ phận hành chính hoặc kỹ thuật của bệnh viện.
Các bệnh viện lớn khác đã buộc phải giảm bớt dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách hợp nhất các khoa riêng biệt hoặc thu hẹp quy mô hoạt động của các khoa.
Trong khi đó, cùng ngày, Chính phủ Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp của ủy ban chịu trách nhiệm phân bổ 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh trường y cho các đại học, qua đó đẩy nhanh quá trình này bất chấp sự phản đối của các bác sĩ thực tập.
Chính phủ Hàn Quốc không tiết lộ thông tin về các thành viên của ủy ban cũng như thời gian, địa điểm và chương trình nghị sự của cuộc họp để đảm bảo tính khách quan trong quá trình ra quyết định của ủy ban này. Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch hoàn thành việc phân bổ sớm nhất vào cuối tháng này để công bố mức chỉ tiêu mới, qua đó giúp các trường chuẩn bị quy trình tuyển sinh cho năm học 2025.
Trước đó, 40 trường đại học trên toàn Hàn Quốc đã yêu cầu nâng chỉ tiêu tuyển sinh thành 3.401 suất mới trong năm 2025, cao hơn nhiều so với kế hoạch tăng thêm 2.000 suất của chính phủ và cao hơn so với tổng chi tiêu hàng năm là 3.058 suất.
Theo kế hoạch của chính phủ, chỉ 20% chỉ tiêu tăng thêm sẽ được phân bổ cho các trường y trong và lân cận Seoul, phần còn lại được phân bổ cho các trường ở khu vực ngoại ô Seoul, qua đó phù hợp với mục tiêu của kế hoạch tăng hạn ngạch cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở những khu vực này.