Bước tái cân bằng hợp logic

Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc lần thứ 21 tại Brussels (Bỉ) và hội nghị lần thứ 8 các nhà lãnh đạo 16 nước Trung - Đông Âu (CEEC) và Trung Quốc (còn gọi là Cơ chế Hợp tác 16+1) tại thành phố Dubrovnik của Croatia có thể đánh giá là đạt kết quả thực chất và làm hài lòng cả hai phía.

Chú thích ảnh
Từ trái sang: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (thứ 2, trái), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (thứ 3, trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (thứ 5, phải) tại Hội nghị các nhà lãnh đạo EU-Trung Quốc ở Brussels, Bỉ ngày 9/4/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Hội nghị EU-Trung Quốc lần này ra được tuyên bố chung khẳng định mục tiêu hoàn tất Thỏa thuận Đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc trong năm 2020, trong khi Cơ chế hợp tác CEEC-Trung Quốc chứng kiến bước tiến, mở rộng thành "17+1" với sự tham gia của Hy Lạp. Hai hội nghị, khép lại chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới châu Âu từ ngày 8-12/4, cho thấy EU và Trung Quốc đang tìm cách tái cân bằng mối quan hệ “vừa là đối tác chiến lược vừa là đối thủ cạnh tranh” để có thể thu được lợi ích lớn nhất có thể.

Trước hội nghị cấp cao EU-Trung Quốc lần thứ 21, ít ai nghĩ rằng EU và Trung Quốc có thể xích lại gần nhau như hiện nay, bởi giữa 2 bên còn có quá nhiều khác biệt cả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế lẫn ngoại giao. Bản thân EU cũng khá thận trọng khi mối quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được xem là chứa đựng nhiều rủi ro khó lường không chỉ về kinh tế mà còn cả an ninh, EU cũng xác định Trung Quốc là "đối thủ có hệ thống" của mình. Tuy nhiên, nếu suy xét cho kỹ bối cảnh quốc tế hiện nay, thì sự xích lại gần như giữa 2 nền kinh tế lớn EU và Trung Quốc là một bước đi hợp lôgíc.

Trước đó, hội nghị cấp cao EU-Trung Quốc lần thứ 21 này được cho sẽ thất bại như năm 2017 (không ra được tuyên bố chung). Tuy nhiên, sau rất nhiều lần thương lượng và chỉnh sửa dự thảo tuyên bố chung, cuối cùng 2 bên đã đạt được thỏa thuận chung vào phút chót. Căn cứ vào nội dung của tuyên bố chung EU-Trung Quốc, có thể thấy Brussels và Bắc Kinh như đang "đứng chung một chiến hào", hay ít nhất là bày tỏ quyết tâm giải quyết các tranh chấp giữa hai bên, thậm chí là cùng nhau hành động. Và có lẽ đây là một thông điệp mà cả hai muốn gửi tới một siêu cường ở bên kia bờ Đại Tây Dương, vốn đang theo đuổi chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ quốc tế và chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại quốc tế. EU và Trung Quốc đều đang “có vấn đề” lớn với Mỹ trong quan hệ kinh tế-thương mại và bất đồng với siêu cường này trên nhiều hồ sơ quốc tế như vấn đề Iran, Afghanistan…

Bất chấp mối quan hệ đồng minh truyền thống hai bờ Đại Tây Dương, EU đang rất không hài lòng khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với chủ trương "Nước Mỹ trước tiên", liên tục có những bước đi được đánh giá là "phớt lờ" lợi ích của EU. Đơn cử như trong lĩnh vực thương mại, Mỹ đã tăng thuế đánh vào mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, đồng thời liên tục đe dọa áp thuế nhập khẩu ô tô từ EU. Mới nhất, ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU, có tổng trị giá 11,2 tỷ USD do tranh cãi trong vấn đề trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay.

Quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương bị sứt mẻ, không thể đặt trọn lòng tin vào Mỹ, EU đang từng bước điều chỉnh, chuyển hướng mối quan hệ để bảo toàn lợi ích của mình, trong đó Trung Quốc là lựa chọn phù hợp, khi đây là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, chỉ sau Mỹ. Ngay cả đối với các nước CEEC, trong đó có 12 nước là thành viên EU, hợp tác với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay cũng luôn được ưu tiên bởi chính các nước này cần nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cho mục tiêu phát triển nhằm theo kịp các nước phát triển hơn trong khối.

Bên cạnh đó, việc Mỹ cổ xúy chính sách đơn phương, biệt lập và bảo hộ, vô hình trung đi ngược lại những giá trị về thống nhất và chia sẻ của một liên minh đa quốc gia như EU. Trên trường quốc tế, Mỹ và EU không ít lần lâm vào cảnh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” do những xung đột lợi ích, như vấn đề hạt nhân Iran hay cách xử lý mối quan hệ với Nga.

Đối với Trung Quốc, việc củng cố hợp tác với EU, đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh, không chỉ bởi Trung Quốc và Mỹ đang lâm vào cuộc chiến thương mại kéo dài và cạnh tranh gay gắt trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mà đây còn là một phần trong chiến lược tổng thể của Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng và sức mạnh trên toàn cầu. “Sự hiện diện” của Trung Quốc tại khu vực EU nói chung và từng nước thành viên nói riêng, trước hết thông qua lĩnh vực kinh tế, đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Xích lại với EU đáp ứng lợi ích chiến lược của Trung Quốc.

Chính vì vậy, EU và Trung Quốc đã đề cao mặt hợp tác hơn là mặt đấu tranh, để cùng nhau phối hợp xử lý các vấn đề toàn cầu và duy trì trật tự khu vực và quốc tế. Để xích lại gần hơn với EU, Trung Quốc đã phải nhượng bộ trước những đòi hỏi của phía EU về các vấn đề trợ cấp nhà nước, bảo hộ đầu tư, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, phía EU vẫn còn dè dặt và mong muốn Trung Quốc biến những lời hứa thành những hành động cụ thể. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean Claude Junker đã tuyên bố rằng hội nghị cấp cao EU-Trung Quốc 21 sẽ là một bước tiến bộ lớn đúng hướng, nếu như những cam kết của Trung Quốc được cụ thể hóa.

Về phương diện thương mại quốc tế, EU và Trung Quốc đã cam kết thúc đẩy một hệ thống thương mại dựa trên chủ nghĩa đa phương và đấu tranh chống lại “chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ”. Hai bên cam kết làm việc cùng nhau cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới, củng cố luật lệ quốc tế về trợ cấp công nghiệp. Trên phương diện quan hệ quốc tế, EU và Trung Quốc dự kiến tăng cường hợp tác về chính sách đối ngoại. Hai bên cùng thống nhất quan điểm về giải quyết hồ sơ Iran và Afghanistan (vốn bất đồng với Mỹ), cũng như thống nhất trong giải quyết vấn đề đầu tranh chống nạn cướp biển, vấn đề an ninh tại châu Phi…

Rõ ràng EU và Trung Quốc đang cho thấy một sự quyết tâm xích lại gần nhau để cùng “bắt tay” giải quyết nhiều vấn đề cấp bách. Nhiều cuộc họp dự kiến được thực hiện ở nhiều cấp khác nhau để thúc đẩy nhiều hồ sơ. Thủ tướng Đức Angela Merkel có tham vọng tổ chức một phiên họp không chính thức của Hội đồng châu Âu trong 6 tháng cuối năm 2020, tập hợp các lãnh đạo của 27 quốc gia EU và Trung Quốc (27+1). Đây được xem là một cách thức làm tăng giá trị quan hệ EU-Trung Quốc, mà từ trước tới nay, cách thức này chỉ dành riêng cho nước Mỹ. Tuy nhiên, xét ở phương diện thứ hai, đây cũng là cách thức để EU có thể "quản lý chặt chẽ" mối quan hệ với Trung Quốc. EU buộc phải tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc, song đối sách của khối, như Tổng thống Pháp Emmanuel  Macron nói rõ, là EU  “phải đoàn kết lại thì mới có thể đối phó được với sức mạnh của Trung Quốc trong thế kỷ XXI”. Nói cách khác, EU vẫn coi Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống”, song sẽ duy trì một sự “cạnh tranh tích cực” với Trung Quốc vì lợi ích của mình.

Tựu trung lại, chính chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Mỹ đã làm đảo lộn các mối quan hệ quốc tế và quan hệ thương mại quốc tế hiện nay, khiến cặp quan hệ EU-Trung Quốc xích lại gần nhau, tạo nên một đối trọng tạm thời với sức mạnh kinh tế và chính trị của Mỹ. Cái bắt tay của "2 siêu cường" EU và Trung Quốc mang tính thực dụng, song là nhu cầu khách quan phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Đức Hùng (Phóng viên TTXVN tại EU)
Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo Trung-Đông Âu và Trung Quốc lần thứ 8
Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo Trung-Đông Âu và Trung Quốc lần thứ 8

Trong khuôn khổ chuyến thăm Croatia, ngày 12/4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 các nhà lãnh đạo 16 nước Trung - Đông Âu (CEEC) và Trung Quốc (còn gọi là Cơ chế Hợp tác 16+1) tổ chức tại thành phố Dubrovnik của Croatia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN