Organoid, với cấu trúc và chức năng tương tự như các cơ quan thực tế trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu y sinh. Tuy nhiên, việc tạo ra hệ thống mạch máu hoàn chỉnh bên trong organoid luôn là thách thức lớn.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Oulu đã giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng màng chorioallantoic (CAM) của phôi gà và một thiết bị chuyên dụng. Giáo sư sinh học phát triển Seppo Vainio tại Đại học Oulu giải thích khi nuôi cấy trên màng CAM, các mạch máu trong organoid không chỉ hình thành mà còn kết nối với hệ tuần hoàn của phôi gà, cung cấp đủ oxy cho quá trình phát triển.
Điểm đột phá của phương pháp này là khả năng duy trì mạng lưới mạch máu khi chuyển organoid sang các môi trường nuôi cấy nhân tạo khác. Kỹ thuật này, được thử nghiệm trên các organoid thận (loại organoid đặc biệt khó tạo mạch máu), đã đánh dấu bước tiến đáng kể trong công nghệ organoid. Với các mạch máu chức năng, các organoid này hoạt động giống như các cơ quan thực sự hơn, khiến chúng đặc biệt có giá trị trong việc nghiên cứu bệnh tật và thử nghiệm thuốc mới. Đại học Oulu tin rằng phương pháp này có thể giúp các nhà khoa học đẩy nhanh nghiên cứu về các bệnh liên quan đến thận, ung thư, tiểu đường và huyết áp cao.