Bước đi đầu tiên của Iraq để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới

Ủy ban dầu khí của Quốc hội Iraq có kế hoạch tăng sản lượng dầu của nước này lên hơn 5 triệu thùng mỗi ngày. Iraq không chỉ có thể thực hiện điều này một cách tương đối dễ dàng mà còn có thể dễ dàng trở thành tiền đề cho việc tăng thêm sản lượng dầu lên 13 triệu thùng mỗi ngày, giúp Iraq trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AA

Theo trang oilprice.com, nhìn chung, Iraq vẫn là khu vực dầu mỏ kém phát triển nhất trên thế giới. Về con số chính thức, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nước này nắm giữ trữ lượng dầu thô ước tính là 145 tỷ thùng (gần 18% tổng trữ lượng của Trung Đông và lớn thứ năm trên thế giới). Theo ước tính không chính thức, rất có khả năng Iraq có nhiều dầu hơn mức này.

Vào tháng 10/2010, Bộ Dầu mỏ Iraq đã tăng con số về trữ lượng đã được kiểm chứng của nước này lên 143 tỷ thùng. Bộ Dầu mỏ Iraq cũng tuyên bố rằng các nguồn tài nguyên chưa được khám phá lên tới khoảng 215 tỷ thùng. Đây cũng là một con số đã được đưa ra trong một nghiên cứu chi tiết năm 1997 của công ty dầu khí Petrolog.

Với quy mô dự trữ dầu thực sự của Iraq và thực tế là chi phí khai thác trung bình trên mỗi thùng dầu ở nước này là 1 - 2 USD, thuộc hàng thấp nhất thế giới, Iraq có thể sản xuất với sản lượng nào?

Trở lại năm 2013, Chiến lược Năng lượng Quốc gia Tích hợp (INES) đã được xây dựng và phân tích chi tiết ba kịch bản sản xuất dầu của Iraq. Kịch bản tốt nhất của INES là công suất sản xuất dầu thô tăng lên 13 triệu thùng/ngày (vào thời điểm năm 2017), đạt đỉnh ở mức đó cho đến năm 2023, và cuối cùng giảm dần xuống khoảng 10 triệu thùng/ngày trong một thời gian dài duy trì sau đó.

Kịch bản sản xuất trung bình là Iraq đạt 9 triệu thùng/ngày (tại thời điểm năm 2020) và kịch bản thấp nhất của INES là sản lượng đạt 6 triệu thùng/ngày (tại thời điểm năm 2020).

Do đó, con số 5 triệu thùng/ngày mà Iraq mới công bố có thể được coi là bước đệm dễ dàng đạt được đầu tiên để Iraq hướng tới những con số đó.

Trong thực tế, theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, ông Hayan Abdel-Ghani, năng lực sản xuất dầu của nước này đã cao hơn mức trên và đang là 5,4 triệu thùng/ngày, mặc dù Iraq vẫn chỉ sản xuất khoảng 4,3-4,5 triệu thùng/ngày.

Câu hỏi tại thời điểm này là với trữ lượng khổng lồ trên và các kế hoạch cụ thể để biến trữ lượng thành 13 triệu thùng/ngày theo kịch bản của Bộ Dầu mỏ, tại sao Iraq chưa sản xuất nhiều dầu hơn hiện tại?

Lý do là nạn tham nhũng đang diễn ra phổ biến nằm ở trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí của Iraq. Điều này làm thất thoát một lượng tiền khổng lồ của Iraq mà có thể được dùng cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng rất cần thiết. Ngoài ra, tình trạng này còn ngăn cản các công ty phương Tây tham gia vào lĩnh vực này ở Iraq dù họ có công nghệ cần thiết, chuyên môn hậu cần và nhân sự.

Trong thực tế, tình trạng tham nhũng đã khiến các công ty lớn của phương Tây không sẵn lòng tham gia quá nhiều vào ngành dầu ở Iraq. Shell, tập đoàn dầu mỏ của Anh và Hà Lan, rút khỏi mỏ dầu Majnoon vào năm 2017 và rút lui khỏi mỏ dầu West Qurna 1 của Iraq vào năm 2018. ExxonMobil của Mỹ cũng cho biết muốn rút khỏi West Qurna 1 và rút khỏi Dự án Cung cấp Nước biển chung CSSP của Iraq trước đó.

Khoản tiền mà Iraq bị thất thoát có thể đủ cho tất cả các dự án lớn cần thiết để tăng sản lượng dầu lên ít nhất 7 hoặc 8 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, gần đây, đã có tín hiệu khả quan với ngành dầu mỏ Iraq khi ngày 10/7, Iraq và tập đoàn TotalEnergies của Pháp đã ký thỏa thuận năng lượng trị giá 27 tỷ USD nhằm tăng sản lượng dầu và nâng công suất sản xuất của Iraq trong bốn dự án dầu khí và năng lượng tái tạo. Thỏa thuận này ban đầu được ký vào năm 2021 nhưng bị trì hoãn nhiều lần do tranh cãi về điều khoản.

Trước đó, ngày 11/7, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq là Hayan Abdul Ghani cho biết Iraq hy vọng các khu vực nhượng quyền mới được trao cho các công ty nước ngoài sẽ tăng năng lực sản xuất dầu thô thêm gần 1 triệu thùng mỗi ngày, lên 6 triệu thùng mỗi ngày.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Iraq đạt được thỏa thuận đổi dầu thô lấy khí đốt với Iran
Iraq đạt được thỏa thuận đổi dầu thô lấy khí đốt với Iran

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al Sudani ngày 11/7 thông báo nước này đã ký kết một thỏa thuận đổi dầu thô lấy khí đốt với Iran, động thái sẽ giúp chấm dứt tình trạng thiếu nguồn cung cấp khí đốt cần thiết để vận hành các nhà máy điện ở Iraq.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN