Dự kiến, chỉ một số lượng khách hàng giới hạn được tải ứng dụng thử nghiệm của Go-Jek từ ngày 29/11, và phạm vi của ứng dụng này chỉ bao gồm một khu vực định trước. Phiên bản này được dùng để thử nghiệm và tiếp nhận đánh giá từ một số lượng người dùng giới hạn trước khi dịch vụ hoàn chỉnh được ra mắt.
Go-Jek đã hợp tác với ngân hàng lớn nhất của Singapore là DBS, với hy vọng tận dụng dữ liệu khách hàng của ngân hàng này để nắm bắt thị phần, và đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Go-Jek cũng đã giành được sự hỗ trợ về mặt tài chính từ nhiều nhà đầu tư, trong đó có Google, quỹ đầu tư quốc gia của Singapore là Temasek và “ông lớn” công nghệ của Trung Quốc Tencent.
Go-Jek vận hành các dịch vụ như gọi xe máy, ô tô riêng và các dịch vụ khác, từ massage và dọn nhà cho đến mua hàng và giao đồ ăn, thông qua điện thoại thông minh, dù phiên bản chạy thử ở Singapore chỉ cung cấp dịch vụ gọi ô tô.
Công ty công nghệ Grab lâu nay vẫn chiếm lĩnh thị trường “quê nhà” Singapore kể từ khi “thâu tóm” mảng thực phẩm và gọi xe tại thị trường Đông Nam Á của đối thủ đến từ Mỹ là Uber hồi đầu năm nay. Đổi lại, Uber nhận được 27,5% cổ phần tại Grab. Cơ quan quản lý chống độc quyền của Singapore đã từng phạt cả Grab và Uber vì vi phạm quy định về cạnh tranh trong thương vụ sáp nhập này.
Chủ tịch Go-Jek, Andre Soelistyo, cho biết sự góp mặt của công ty này sẽ góp phần đảm bảo “sự cạnh tranh lành mạnh”.
Go-Jek đang thực hiện kế hoạch trị giá 500 triệu USD nhằm mở rộng hoạt động ra bên ngoài Indonesia với trọng tâm ở thị trường Đông Nam Á, và gần đây đã cho ra mắt các dịch vụ tại Việt Nam và Thái Lan.
Theo nghiên cứu của Google và Temasek, từ nay đến năm 2025, thị trường gọi xe Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt 20 tỷ USD.