Theo các nhân viên và khách hàng của Bronner's CHRISTmas Wonderland, trong thời gian dịch bệnh, cửa hàng gặp phải những thách thức về đặt hàng và vận chuyển. Cần có chút thời gian để mọi thứ về được trạng thái bình thường mới. Bronner's cũng đang dần trở lại mức độ hoạt động trước đại dịch.
Được thành lập vào năm 1945, Bronner's CHRISTmas Wonderland tự quảng bá là "cửa hàng Giáng sinh lớn nhất thế giới" và mở cửa quanh năm. Mỗi năm, có khoảng 2 triệu người tiêu dùng mua hơn 2 triệu đồ trang trí và hơn 125.000 bộ đèn tại cửa hàng này.
Khu phức hợp Bronner's CHRISTmas Wonderland có không gian rộng lớn được thiết kế theo lối kiến trúc Alpine, bao gồm 2,2 mẫu Anh (tương đương 1,7 sân bóng đá) để mua sắm, 27 mẫu Anh (11 ha) đất được bố trí cảnh quan và tòa nhà có diện tích 7,35 mẫu Anh (2,97 ha).
Ông Dietrich Bronner, quản lý danh mục và phát triển sản phẩm của cửa hàng, từng chia sẻ với giới truyền thông địa phương rằng ông nội của ông đã bắt đầu sơn bảng hiệu cửa hàng ở tầng hầm nhà của bố mẹ ông và nó đã phát triển thành xứ sở Giáng sinh kỳ diệu khổng lồ này.
Trang tin Marketplace dẫn lời ông Wayne Bronner, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Bronner's và là một trong chín thành viên gia đình cho hay vào dịp hè, lượng khách hàng đến cửa hàng có thể lên tới một vài nghìn người. Các khách hàng muốn đến thăm Bronner's, cửa hàng Giáng sinh lớn nhất thế giới và trải nghiệm Giáng sinh bất kể thời điểm nào trong năm.
Trong mùa cao điểm, Bronner's sử dụng hơn 700 nhân viên. Crissy Dutcher, quản lý nhân viên bán hàng và bộ phận thực hiện danh mục Internet, cho biết hiện là giai đoạn cao điểm nhất trong năm nay. Cửa hàng đang tuyển nhân viên có thể cam kết làm việc cho đến ngày 31/12. Bronner's đang sử dụng khoảng 450 lao động và dự định tuyển dụng khoảng 100 nhân viên mới.
Câu lạc bộ Ô tô Michigan (Automobile Club of Michigan) đã xếp Bronner's vào danh sách 10 điểm thu hút khách hàng hàng đầu của tiểu bang. Thống đốc bang Michigan đã chỉ định Bronner's là "Đại sứ Du lịch Michigan" vào năm 1976.
Cửa hàng này hiện vẫn duy trì quy mô trong những năm thịnh vượng, với hơn 50.000 đồ trang trí và quà tặng dành cho các mùa, các dịp và giá cả phù hợp với ngân sách của tất cả mọi người. Bronner, chủ sở hữu của cửa hàng, cũng đang cố gắng giữ mức giá thích hợp cho những sản phẩm của mình, khi hóa đơn tiền điện trung bình lên tới 650 USD/ngày.
Tuy nhiên, một vấn đề “nóng hổi” mà chủ Bronner's và các khách hàng phải đối mặt đó là lạm phát. Mike, một khách hàng đến từ Cleveland, Ohio, cho hay anh đã chi 120 USD để mua sắm và bày tỏ rằng giá cả dường như đã đắt lên. Debbie, một cư dân ở Michigan, thường xuyên chi từ 50 USD đến 250 USD để mua sắm ở Bronner's, cũng có chung cảm nghĩ. Cô nói rằng giá đã tăng lên so với thời kỳ trước đại dịch và tuy nhiên, cô cũng vui vẻ chia sẻ: "Đây là dịp Giáng sinh nên không ai quan tâm đến giá cả".
Theo tờ thông tin Bronner's, nhiều mặt hàng của Bronner's được bán với giá dưới 10 USD, và khoảng 70% sản phẩm được bán với giá dưới 20 USD, chẳng hạn như thỏ nhồi bông được bán với giá 19,99 USD và đĩa sứ có giá 12,99 USD…
Hàng hóa của Bronner's được bán hiện nay có xuất xứ 50% đến từ châu Á, 30% đến từ Mỹ và 20% đến từ châu Âu. Theo Lori Libka, một nhân viên của Bronner's CHRISTmas Wonderland, các nhà cung cấp châu Á chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Thống kê trước đây của Liên hợp quốc cho thấy khoảng 50% số sản phẩm Giáng sinh sản xuất tại Trung Quốc được bày bán tại Mỹ, và con số này lên tới 80% ở quy mô thế giới.