Tuần trước, Hiệp hội Phi công British Airline (BALPA) đã gửi thông báo tới hãng về kế hoạch đình công kéo dài 3 ngày trong tháng 9. Đây là kế hoạch đình công lâu nhất mà các phi công của BA từng thực hiện vì các mâu thuẫn liên quan tới thù lao làm việc.
Sau các cuộc đình công trong 2 ngày 9 - 10/9, ngày đình công còn lại trong kế hoạch này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27/9 tới. BALPA cho rằng BA cần phải để các phi công được hưởng lợi nhiều hơn từ khoản lợi nhuận mà hãng thu được. Trong khi đó, phía BA cho rằng các khoản chi trả cho phi công là công bằng và chỉ trích kế hoạch đình công vô lý.
Kế hoạch đình công khiến hàng nghìn hành khách của BA đã phải tìm các hình thức di chuyển thay thế, đồng thời khiến hãng chịu nhiều chỉ trích vì thiếu chuyên nghiệp trong liên lạc với khách hàng trước thời điểm đình công diễn ra. BALPA ước tính cuộc đình công sẽ khiến BA chịu tổn thất hơn nhiều so với việc đầu tư để giải quyết mâu thuẫn, nêu rõ đã đến lúc hai bên ngồi vào bàn đàm phán và cùng hướng tới một đề nghị nghiêm túc giúp chấm dứt mâu thuẫn.
Hôm 5/9 vừa qua, BA đã bác bỏ đề nghị của BALPA tăng thù lao cho phi công từ giờ làm việc thứ 11. BALPA cho biết kế hoạch đình công đáng lẽ đã được hủy bỏ nếu hãng đồng thuận với đề nghị này. Về phần mình, người phát ngôn của BA cho biết hãng sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với BALPA.
Cục Hàng không dân dụng Anh (CAA) cũng bắt đầu điều tra BA sau khi nhiều hành khách bức xúc trước việc hãng không thông báo chính xác về kế hoạch hủy chuyến bay. CAA cũng khuyến nghị BA cần nói rõ với hành khách về quyền lợi của họ.
Trong các cuộc đình công, BA phải bồi thường cho các hành khách bị hủy chuyến, đảm bảo hành khách có các phương thức đi chuyển thay thế với điều kiện tương đương hoặc sắp xếp chuyến bay khác trong một ngày gần nhất cho khách hàng.