Đoạn video được Bộ trên đăng tải trên mạng Twitter cho thấy một trong hai chiếc máy bay Hercules C-130 đã thả nước để dập lửa khi bay trên vùng trời rừng Amazon sau khi cất cánh từ thủ phủ Porto Velho, bang Rondonia.
Trước đó, hôm 23/8, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã ra lệnh cho quân đội tham gia chống chọi với các cháy rừng và hơn 44.000 binh sỹ đã được triển khai tại khu vực này.
Các số liệu chính thức cho thấy 78.383 vụ cháy rừng đã được ghi nhận ở Brazil trong năm nay, con số cao nhất hằng năm kể từ năm 2013. Hơn một nửa số này xảy ra ở lòng chảo lớn Amazon, nơi có hơn 20 triệu người sinh sống. Theo các viện nghiên cứu và phương tiện truyền thông, có nhiều nguyên nhân gây ra đợt cháy rừng nghiêm trọng này tại Brazil, trong đó có thời tiết khô hanh và các hoạt động của con người.
Rừng Amazon bao phủ trên diện tích rộng khoảng 5.500.000 km2 ở khu vực Nam Mỹ. 60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil và diện tích còn lại của cánh rừng này trải dài qua 8 nước và vùng lãnh thổ khác gồm Bolivia, Colombia, Guiana thuộc Pháp, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela. Các nhà khoa học cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng các vụ cháy rừng Amazon sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu hiện nay và đe dọa đến đa dạng sinh học.
Theo Phòng nghiên cứu động cơ phản lực (JPL) của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), sự dịch chuyển của khí carbon monoxide (CO) trong không khí có liên quan tới các vụ cháy rừng Amazon ở Brazil. Sự liên quan này được phản ánh qua dữ liệu mới nhất từ máy phát hồng ngoại khí quyển (AIRS) của NASA thông qua vệ tinh Aqua.
Theo JPL, dấu vết của khí CO đã xuất hiện ở khu vực Tây Bắc Amazon, sau đó bay đi và tập trung rất nhiều ở phía Đông Nam của Brazil. Chuỗi hình ảnh thể hiện nồng độ khí CO rất cao thải ra từ những vụ cháy rừng Amazon trong khoảng thời gian từ ngày 8-22/8 ở độ cao 5.500 mét.
CO, một khí gây ô nhiễm có thể di chuyển trên một khoảng cách rất lớn, có thể tồn tại đến 1 tháng trong không khí. Ở độ cao mà AIRS đo được, khả năng ảnh hưởng của khí CO đến không khí con người hít thở là khá thấp. Tuy nhiên, những cơn gió mạnh có thể đưa chúng xuống tầng thấp hơn, đây là điều đáng quan ngại bởi chúng tác động đến chất lượng không khí.
Khí CO đóng vai trò rất lớn trong việc làm ô nhiễm không khí cũng như gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.