Một loại kem chống khuẩn bôi da cho trẻ em đã bị thu hồi khỏi các kệ hàng ở Trung Quốc cũng như phải đóng cửa các cơ sở sản xuất sau khiến một bé gái bị mọc lông tóc bất thường trên mặt và tăng cân mất kiểm soát.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin kết quả kiểm tra cho thấy công ty chuyên sản phẩm chăm sóc sức khỏe Fujian Ouai Ying Tong, có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến, có thể đã bổ sung trái phép hàng lượng cao chất nội tiết tố steroid vào kem bôi da Yifuling.
Bố mẹ của bé gái cho biết sau khi dùng kem chống vi khuẩn Yifuling để bôi chàm da, cân nặng của con đã tăng nhanh lên 11kg, bề ngoài trông như phát phì. Ngoài ra, trên trán và hai má của bé còn mọc nhiều sợi lông mảnh. Họ cho biết cô bé còn bị chậm phát triển và suy dinh dưỡng.
Ban đầu, họ lo sợ sữa của người mẹ đã khiến bé gái gặp những bất thường trên nhưng các bác sĩ đã loại trừ khả năng xuất phát từ sữa mẹ. Khi tình trạng của bé xấu đi, gia đình đã đưa con gái – tên ở nhà là Pomelo – quay trở lại bệnh viện. Tại đây, một nữ y tá đã nhận thấy rằng nhiều bệnh nhi khác cũng nhập viện với các dấu hiệu tương tự.
“Tôi nhớ có một nữ y tá hỏi chúng tôi có dùng bất kỳ loại kem bôi da chứa chất hormone hay không. Cô ấy cho biết đã chứng kiến 4 trẻ khác bị tương tự”, ông bố họ An trả lời phỏng vấn kênh truyền hình quốc gia CCTV.
Khi họ thắc mắc với công ty Fujian Ouai Ying Tong, nhà sản xuất đã lập tức phủ nhận sản phẩm Yifuling chứa chất hormone, đồng thời dọa kiện mẹ của bé gái. Trước đó, công ty đã quảng cáo loại kem chống vi khuẩn trên da này là không chứa hormone.
Trong nỗ lực để cứu giúp con gái nhỏ, vợ chồng anh An đã tìm đến “Daddy Wei” - một người viết blog khoa học uy tín trên mạng xã hội Trung Quốc để nhờ cậy. Nhân vật này đã tiến hành phân tích kem Yifuling và bị “á khẩu” bởi kết quả thu được. Loại kem này chứa liều lượng cao hợp chất corticosteroid clobetasol propionate.
Trong đó, corticosteroid, hay còn gọi là hormone steroid, là một loại hormone tự nhiên. Clobetasol là một loại steroid mạnh dùng để trị bệnh về da như chàm eczema và vẩy nến. Các bác sĩ khuyến cáo chỉ sử dụng clobetasol trong thời gian ngắn và chỉ dùng cho da bị tổn thương nặng khi các loại thuốc nhẹ hơn không khắc phục được.
Ai Si, bác sĩ chuyên khoa nhi tại Bệnh viện nhân dân tỉnh Phúc Kiến, khẳng định việc bổ sung hormone vào kem bôi cho trẻ em là trái phép. “Nếu sử dụng lâu dài hoặc liều cao có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ”, bà Ai Si phát biểu với hãng thông tấn Tân Hoa.
“Daddy Wei” đã vạch trần sự thật về kem Yifuling thông qua một đoạn video gây xôn xao dư luận hồi tuần trước. Thông tin về bé gái bị phù mặt, mọc lông tóc bất thường đã trở thành hồi chuông cảnh báo sức khỏe sâu rộng.
Ủy ban Y tế tại Liên Vân Cảng – thành phố trực thuộc tỉnh Giang Tô - đã mở cuộc điều tra khẩn cấp, dừng bán kem mang nhãn hiệu Yifuling và thu hồi 129 hộp kem trong số 1.200 hộp do công ty Fujian Ouai Ying Tong phân phối tại Liên Vân Cảng và thành phố Tú Thiên lân cận. Hoạt động sản xuất của công ty trên cũng phải dừng lại chờ kết quả kiểm tra chính thức.
Đây không phải lần đầu sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ em ở Trung Quốc đối mặt rủi ro từ các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Năm 2008, ít nhất 8 trẻ nhỏ đã tử vong cùng trên 300.000 trẻ bị tổn thương thận sau khi uống sữa bột của tập đoàn quốc doanh Sanlu. Sản phẩm sữa bột trên không đạt tiêu chuẩn và được pha trộn chất melamine để tăng hàm lượng protein một cách giả tạo. Melamine là một hợp chất hóa học được sử dụng trong sản xuất mút xốp và keo dán.
Bê bối trên đã làm chấn động cả thế giới. Hai người bị kết án trong sự vụ đã bị tử hình. Ba người phải ngồi tù chung thân và hai người khác phải ngồi tù 15 năm. Bảy quan chức địa phương bị sa thải.
Năm 2020, giới chức tỉnh Hồ Nam đã điều tra các khiếu nại của một số phụ huynh về việc con họ mắc chứng còi xương - xương của các bé bị biến dạng vì thiếu canxi hoặc vitamin D quá mức - sau khi uống một loại "sữa công thức y tế đặc biệt dành cho trẻ em " mà thực chất là thức uống có protein dạng đặc. Cửa hàng bán sản phẩm đã bị xử phạt 2 triệu Nhân dân tệ (khoảng 7,1 tỷ đồng).
Hai năm trước, Cục Quản lý Thị trường Nhà nước báo cáo rằng ít nhất sáu loại kem trẻ em trên các trang web thương mại điện tử nổi tiếng bị phát hiện có hàm lượng hormone cao, buộc cơ quan y tế tỉnh Giang Tây phải điều tra.