Đáng chú ý, đây là chiếc máy bay 747 thứ 1.574 và cũng là chiếc cuối cùng của dòng máy bay được mệnh danh là "Nữ hoàng Bầu trời" này, vốn được Boeing cho ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn 50 năm và đã làm nên cuộc cách mạng trong ngành hàng không. Do đó, lễ bàn giao này trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết khi hàng nghìn nhân viên hiện đang làm việc và đã từng làm việc cho Boeing, nhiều nhân vật nổi tiếng và những nhân vật quan trọng trong ngành hàng không đã tập trung tại nhà máy lắp ráp của Boeing ở Everett (thuộc bang Washington, Tây Bắc nước Mỹ) để chia tay chiếc máy bay phản lực khổng lồ.
Tại lễ bàn giao, những người tham dự đã được nghe chia sẻ về nguồn gốc ra đời của dòng máy bay phản lực này, cũng như xem lại quá trình phát triển kéo dài hàng thập niên của 747 thông qua những đoạn video và thưởng thức âm nhạc. Nhiều tên tuổi từng gắn bó với 747 đã có các bài phát biểu xúc động về dòng máy bay này, như giám đốc điều hành hàng đầu của Lufthansa Airlines, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney và nam diễn viên John Travolta - người đã có giấy chứng nhận là phi công lái máy bay 747.
Máy bay 747 của Boeing là dòng máy bay thân rộng, 4 động cơ, có hai tầng và hai lối đi đầu tiên trên thế giới. Sự ra đời của 747 được xem là một huyền thoại trong lịch sử hàng không thế giới. Trong thập niên 60 của thế kỷ trước - thời kỳ ngành hàng không bắt đầu khởi sắc và các sân bay ngày càng trở nên bận rộn hơn, với sự hối thúc của hãng Pan American Airways, Boeing bắt đầu lên kế hoạch sản xuất một máy bay phản lực có thể chở hành khách với quy mô lớn hơn.
Ông William Allen - Chủ tịch Boeing lúc bấy giờ - đã giao nhiệm vụ này cho kỹ sư Joe Sutter vào tháng 8/1965. Đội ngũ của ông Sutter chỉ mất 28 tháng để hoàn tất việc thiết kế và chế tạo mẫu máy bay 747 tại nhà máy ở bang Washington của Mỹ, nhanh đến mức họ được gọi là "The Incredibles" (tạm dịch: Những siêu nhân). Chuyến bay đầu tiên cất cánh vào ngày 9/2/1969 và chiếc 747 đầu tiên được bàn giao cho Pan American Airways vào ngày 22/1/1970.
Phiên bản ban đầu của 747 có thể chở đến 420 hành khách, gấp 3 lần so với dòng 707. Các phiên bản sau này thậm chí còn phát triển hơn nữa về sức chứa và tầm bay. Cụ thể phiên bản chở khách cuối cùng - máy bay 747-8 - có thể chở gần 470 người trên các đường bay xuyên Thái Bình Dương và các hành trình dài khác.
Trong giai đoạn 1970 - 1990, dòng máy bay 747 đã mang lại cho mọi người cơ hội du ngoạn thế giới nhiều hơn. Tầm bay của 747 cho phép các hãng hàng không mở các tuyến bay thẳng giữa các thành phố lớn chưa từng được kết nối trước đó. Kích thước của 747 cho phép máy bay này lấp đầy các ghế ở phía sau với giá vé rẻ hơn. Ông Michel Merluzeau - Giám đốc Bộ phận phân tích hàng không vũ trụ và quốc phòng của công ty tư vấn AIR - nhấn mạnh: "Kích thước, phạm vi bay và hiệu quả của máy bay này giúp tầng lớp trung lưu có thể đi du lịch bên ngoài châu Âu hoặc Mỹ với giá cả phải chăng, ngay cả khi xảy ra những cú sốc năng lượng như trong những năm 1970. Dòng máy bay này giúp chúng ta khám phá thế giới".
Boeing 747 từng là lựa chọn của những người giàu có và thậm chí hoàng tộc và từng xuất hiện trong nhiều bộ phim "bom tấn" của Hollywood. Dòng máy bay này cũng là nguyên mẫu của các máy bay Air Force One (chuyên cơ của tổng thống Mỹ) kể từ năm 1990.
Tuy nhiên, sau 5 thập niên, nhu cầu đối với 747 giảm dần khi Boeing (và cả đối thủ của tập đoàn này là hãng Airbus) phát triển các máy bay thân rộng hai động cơ, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Các hãng hàng không thương mại ở Mỹ đã ngừng khai thác dòng máy bay 747 kể từ năm 2017. Tháng 7/2020, Boeing chính thức thông báo kế hoạch ngừng sản xuất máy bay 747. Trong năm 2022, tập đoàn này chỉ bàn giao 5 chiếc 747 - một con số quá ít ỏi nếu so với năm 1990 - thời điểm 747 đắt khách nhất. Trong năm đó, Boeing đã bàn giao tới 70 chiếc 747 cho các đối tác.