Ngày 26/2, Cơ quan An toàn thực phẩm Bồ Đào Nha (ASAE) đã thu giữ gần 80 tấn thịt bò có thành phần thịt ngựa và khởi kiện 5 công ty chế biến thực phẩm vì đã gian lận trong việc dán nhãn các sản phẩm không đúng tiêu chuẩn.Trong thông báo đưa ra cùng ngày, ASAE cho biết việc thu giữ được tiến hành ngay khi các công ty chế biến thực phẩm đang chuẩn bị đóng gói và phân phối tới các siêu thị. Ngoài số thịt trên, ASAE còn thu giữ gần 20.000 sản phẩm đóng gói nhập khẩu như thịt sốt, bánh nhân thịt và thịt viên...
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) Sau khi phân tích ADN của 134 mẫu sản phẩm, ASAE phát hiện 13 mẫu có thành phần thịt ngựa. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định tất cả các sản phẩm đều không vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Tổng Thanh tra của ASAE, ông Antonio Nunes cho biết mặc dù không gây nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng, song gian lận trong mua bán hàng hóa cũng là hình thức tiếp tay cho tội phạm và có thể bị xét xử tới một năm tù giam.
Theo quan chức này, hiện vẫn chưa xác định được nguồn gốc thịt ngựa được cung cấp từ trong nước hay từ các nước châu Âu khác, mà thông thường nhập qua Tây Ban Nha. Công tác điều tra vẫn sẽ được tiếp tục cho đến khi đảm bảo loại bỏ hoàn toàn mọi sản phẩm có thông tin sai lệch đến tay người tiêu dùng.
Mặc dù vụ bê bối thịt ngựa giả bò đang làm rúng động toàn châu Âu, hội chợ lương thực, thực phẩm lớn nhất thế giới "Gulfood" đang diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, nơi tề tựu của hơn 4.200 công ty đến từ 110 nước trên thế giới đã phần nào làm vơi đi lo ngại về an toàn thực phẩm đang diễn ra tại châu lục luôn đặt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm lên hàng đầu.
Tại hội chợ diễn ra bốn ngày (từ 26/2-1/3), các công ty chế biến thực phẩm châu Âu khẳng định an toàn và an ninh lương thực luôn là ưu tiên hàng đầu của châu Âu tại thị trường các nước Arập đầy tiềm năng. Giám đốc bán hàng của tập đoàn chế biến gia cầm Wiesehof International của Đức, ông Stefan Mauritz, cho biết chất lượng chính là sự kiểm soát được nguồn thực phẩm chế biến.
Ông Mauritz đảm bảo rằng từ năm 2005 và thậm chí trong tương lai, khách hàng không bao giờ phát hiện ra thành phần thịt ngựa trong các sản phẩm xuất khẩu của hãng vì tất cả các nguồn nguyên liệu đều do các trang trại riêng của hãng cung cấp. Wiesenhof luôn đặt ra nguyên tắc "dây chuyền chế biến thực phẩm hoàn hảo" không có bất kỳ thành phần nào từ nhà cung cấp thứ ba.
Trong khi đó, Giám đốc phụ trách đối ngoại của tập đoàn VanDrie, ông Henny Swinkels, cũng khẳng định tập đoàn này đã xuất khẩu sang các nước Vùng Vịnh hơn một năm qua và luôn đáp ứng tiêu chuẩn và an toàn lương thực toàn cầu.
TTXVN/ Tin tức