Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ đã bước vào Ngày Bầu cử 3/11 sau một chiến dịch tranh cử với nhiều lo ngại về sự can thiệp từ bên ngoài.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Washington, quyền Bộ trưởng Wolf khẳng định: "Chúng tôi không thấy có bất kỳ dấu hiệu nào về một tác nhân nước ngoài dàn xếp hoặc bóp méo tiến trình bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này".
Đến thời điểm hiện tại, trên toàn nước Mỹ đã ghi nhận trên 100 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm trước Ngày Bầu cử 3/11, chiếm hơn 47% số cử tri đã đăng ký trong cuộc bầu cử năm nay. Tại 21 bang và khu vực Washington D.C, hơn 50% số cử tri đăng ký đã bỏ phiếu sớm.
Trong diễn biến mới nhất, giám sát viên bầu cử Marcia Ridley cho biết đã có một số vấn đề kỹ thuật được ghi nhận trong Ngày Bầu cử tại hạt Spalding, bang Georgia. Hệ thống bỏ phiếu ở đây đã bị trục trặc. Trong khi đó, quan chức cấp cao Bộ An ninh Nội địa Mỹ, ông Christopher Krebs cho biết đã thấy một số dấu hiệu đứt quãng, nhưng toàn bộ hệ thống bầu cử Mỹ vẫn hoạt động tốt. Hai quan chức trên kêu gọi người dân Mỹ kiên nhẫn chờ kết quả.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, cử tri Mỹ sẽ bầu tổng thống và phó tổng thống, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35/100 ghế tại Thượng viện, 11 vị trí thống đốc bang cùng khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc.
Đối với cuộc đua vào Nhà Trắng, để giành chiến thắng, ứng cử viên phải giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri. Số phiếu đại cử tri quy định cho mỗi bang được tính trên cơ sở số nghị sĩ mà bang đó có được tại Hạ viện (con số này dựa trên quy mô dân số bang) cộng với số thượng nghị sĩ (2 thượng nghị sĩ cho mỗi bang, bất kể quy mô dân số).