Bloomberg cho hay việc sa thải sẽ được công bố ngay trong tuần này và có khả năng lớn hơn đợt cắt giảm nhân viên năm 2020 (5% lực lượng lao động, tương đương khoảng 360 nhân viên). Những đợt sa thải đó được cho là do tác động kinh tế của đại dịch.
Mặc dù Grab dẫn đầu thị trường gọi xe và giao hàng ở Đông Nam Á, nhưng hãng này vẫn chưa đạt được lợi nhuận do chi tiêu cho tăng trưởng và sự cạnh tranh từ các đối thủ như Tập đoàn GoTo của Indonesia gây sức ép lên giá cả. Cổ phiếu của Grab đã giảm khoảng 70% kể từ khi ra mắt thị trường chứng khoán ở New York vào cuối năm 2021, ngay cả khi hãng đã giảm lỗ và cam kết báo lãi trên cơ sở điều chỉnh vào quý cuối cùng của năm nay.
Kế hoạch cắt giảm lực lượng lao động cho thấy Grab đang chịu áp lực từ nhà đầu tư để giảm chi phí nhanh hơn. Grab đã chậm cắt giảm chi phí so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Khi GoTo và Sea Ltd. của Singapore sa thải hàng nghìn nhân viên trong năm 2022, thì Grab đã hạn chế sa thải hàng loạt. Hãng đặt xe công nghệ này đã bổ sung trên 3.000 nhân viên trong năm 2022, phần lớn là do thương vụ mua lại chuỗi siêu thị Jaya Grocer, nâng tổng số nhân viên của Grab lên 11.000 người.
Grab cũng đang phải đối mặt với khả năng tăng trưởng chậm lại khi khách hàng chật vật với lạm phát cao hơn và lãi suất tăng. Mặc dù Grab đã báo cáo khoản lỗ hàng quý ít hơn vào tháng trước, nhưng cho biết tổng giá trị hàng hóa chỉ tăng 3% trong ba tháng tính đến tháng 3/2023. Con số này giảm so với 24% cho cả năm 2022. Tốc độ tăng trưởng người dùng cũng chậm lại do các đối thủ cạnh tranh thu hút khách hàng bằng các chương trình khuyến mãi và giá thấp hơn.
Khoản lỗ đã điều chỉnh trước lãi vay, thuế và khấu hao của Grab trong quý đầu tiên của năm nay đã giảm xuống còn 66 triệu USD và các nhà phân tích dự đoán khoản lỗ của hãng sẽ tiếp tục giảm. Trên cơ sở thu nhập ròng, Grab vẫn khó có khả năng sinh lời. Trong quý đầu tiên của năm nay, khoản lỗ ròng của Grab đã giảm từ 423 triệu USD của cùng kỳ năm trước xuống còn 244 triệu USD.