Các nhà kinh tế từ các ngân hàng toàn cầu - bao gồm JPMorgan Chase, Citigroup và các ngân hàng lớn khác, cho rằng nền kinh tế Nga sẽ chỉ suy giảm 3,5% trong năm nay. Một số quan chức Moskva, từng dự đoán mức giảm tới 12%, cũng đang chuẩn bị cập nhật dự báo ở mức một nửa con số đó.
Chuyên gia kinh tế trưởng Anton Tabakh, nhà kinh tế trưởng tại cơ quan xếp hạng của Nga Expert RA, nhận định: “Nền kinh tế Nga như một võ sĩ đang đứng dậy sau khi bị hạ gục. Dù có sụt giảm, nhưng nó đã hồi phục đáng kể nhờ mức giá xuất khẩu dễ chịu, ngay cả khi đã giảm giá và chiết khấu”.
Đồng thời, nhiều chuyên gia cảnh báo thêm rằng những động thái nhanh chóng để ổn định tiền tệ của chính phủ trong những tuần đầu tiên sau xung đột không những ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng tài chính mà còn thu được lợi lớn trong lĩnh vực xuất khẩu.
Dù vậy, Bloomberg tuyên bố rằng nền kinh tế Nga vẫn đang đối mặt với tình trạng suy giảm mạnh nhất kể từ ít nhất là năm 2009. Dữ liệu từ Trung tâm Phát triển tại khoa kinh tế thuộc Đại học Moskva cho biết sản xuất công nghiệp ở Nga đã tăng 1,7% trong tháng 5 so với tháng trước. Trung tâm cho biết: “Sự sụt giảm trong tháng 5 có thể là một dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất đã bắt đầu thích nghi với cú sốc của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga”.
Các nhà kinh tế cũng chỉ ra rằng sản lượng dầu tăng đột biến do nhu cầu trong nước ngày càng lớn và chuyển hướng sang các khách hàng xuất khẩu ở châu Á, cũng đã trở thành động lực lớn cho nền kinh tế Nga.
Sản lượng khí đốt tuy giảm nhưng giá đã tăng đột biến, nhờ đó đã thúc đẩy tăng doanh thu. Điều này đã làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga.
Nhà kinh tế Evgeny Koshelev của Rosbank nói với Bloomberg: “Nền kinh tế của chúng tôi hiện không ở mức căng thẳng như dự đoán cho năm 2022. Chúng ta nên mong đợi những xu hướng tích cực hơn vì cả ngân sách và chính sách tiền tệ đều mang tính kích thích tổng thể”.