Chỉ một ngày sau khi hoãn hòa đàm, quân đội chính phủ Mali và các nhóm vũ trang tại miền Bắc nước này đã giao tranh đẫm máu ở thị trấn Konna thuộc tỉnh miền Trung Mopti.
Các cuộc đụng độ diễn ra sau khi quân đội chính phủ vừa đẩy lùi âm mưu tấn công của các tay súng Hồi giáo cũng tại Konna, vốn nằm sát khu vực vành đai do chính phủ kiểm soát và là cửa ngõ đi về phía Nam. Người dân tại đây xác nhận đã xảy ra giao tranh bằng vũ khí hạng nặng chiều 9/1 nhưng chưa biết con số thương vong.
Các tay súng Hồi giáo Mali phá huỷ một ngôi đền cổ tại Timbuktu, ngày 1/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, các tay súng phiến quân âm mưu tấn công thị trấn Konna nhằm mở rộng phạm vi kiểm soát ở tỉnh Mopti, nơi được coi là bàn đạp hướng mũi tấn công về phía Nam.
Trong khi đó, hàng trăm người đã đổ xuống đường biểu tình ở thủ đô Bamako và thành phố Kati ở Tây Nam, yêu cầu Tổng thống tạm quyền Dioncounda Traore từ chức. Những người biểu tình ở Bamako đốt các lốp xe, phong tỏa hai trong số 3 cây cầu nối thủ đô với các vùng lân cận.
Trong khi đó, tại thành phố Cati, người biểu tình dựng rào chắn gây tắc nghẽn giao thông. Chính phủ Mali đã buộc phải đóng cửa tất cả các trường học tại hai thành phố này, đồng thời hoãn cuộc họp nội các hàng tuần vì lý do an ninh.
Mali từng là một trong những quốc gia ổn định và sôi động nhất ở châu Phi. Tuy nhiên trong một năm trở lại đây, quốc gia Tây Phi này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự tháng 3/2012. Tình trạng rối ren đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc, đồng thời tuyên bố ly khai và lập ra "Nhà nước Azawad" tuân theo luật Hồi giáo hà khắc (Sharia).
Khủng hoảng ở Mali đã trở thành mối quan tâm an ninh với cả các nước trong khu vực và nhiều chính phủ phương Tây do lo ngại vùng sa mạc rộng lớn ở phía Bắc nước này có thể biến thành trung tâm huấn luyện các chiến binh Hồi giáo cực đoan. Để ngăn chặn nguy cơ này, tháng 12/2012, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) đã thông qua kế hoạch triển khai lực lượng can thiệp tới Mali để giúp giành lại phần lớn lãnh thổ ở phía Bắc đang bị phiến quân Hồi giáo chiếm đóng.
Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), Tổng thống Benin Thomas Yayi Boni, đầu tuần này cũng đã kêu gọi các nước thành viên giúp đỡ Mali. Trong khi đó, Ngoại trưởng Burkina Faso, nước trung gian hòa giải cho cuộc xung đột tại Mali, kêu gọi các bên ngừng giao tranh để tạo điều kiện cho việc nối lại hòa đàm trên tinh thần xây dựng, tin tưởng lẫn nhau, vì hòa bình, an ninh trong nước và khu vực.
TTXVN/Tin tức