Theo hãng thông tấn Pháp AFP, công ty dệt may của ông Park với 300 công nhân Triều Tiên là một trong số 125 công ty Hàn Quốc hoạt động tại khu công nghiệp (KCN) Kaesong – một dự án kinh doanh xuyên biên giới mang tính biểu tượng cao đem lại hàng trăm triệu USD cho Bình Nhưỡng - trước khi bị đóng cửa.
Cách đây 3 năm, Seoul thông báo đóng cửa KCN để phản ứng trước các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, cho rằng những lợi nhuận mà thành phố biên giới Triều Tiên kiếm được sử dụng cho mục đích hỗ trợ các chương trình vũ khí khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, với những diễn biến mang tính tích cực trên Bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần đây, niềm hy vọng Kaesong mở cửa lại dấy lên trong những người doanh nhân như ông Park.
"Công việc kinh doanh trì trệ của tôi bước sang năm thứ 4", ông Park chia sẻ về những khó khăn khi duy trì công việc kinh doanh mà không có nguồn nhân công lành nghề chi phí thấp như ở khu công nghiệp Kaesong.
Giống như các doanh nhân khác ở Kaesong, ông Park trả cho Chính phủ Triều Tiên 70 USD/tháng cho mỗi công nhân mà họ nhận vào làm việc.
Kể từ khi KCN đóng cửa, ông Park cho biết ông đã đến thăm hơn 12 quốc gia để tìm nguồn nhân lực lý tưởng cho hoạt động kinh doanh nhưng bất thành. Câu trả lời vẫn là Kaesong.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc thực hiện năm ngoái, 96% công ty Hàn Quốc từng hoạt động tại Kaesong bày tỏ mong muốn quay trở lại.
Bình thường hóa hoạt động tại KCN Kaesong là một trong những thỏa thuận then chốt đạt được từ Hội nghị Thượng đỉnh giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tổ chức ở Bình Nhưỡng tháng 9 năm ngoái. Đầu năm nay, Chủ tịch Kim Jong-un một lần nữa nhấn mạnh muốn mở lại khu công nghiệp Kaesong “không cần điều kiện”.
Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên gia, loạt trừng phạt phức tạp được thắt chặt kể từ khi KCN đóng cửa năm 2016 đã khiên các bước đi tiếp theo gặp khó. "Hiện tại, việc mở lại KCN Kaesong khá là khó khăn", ông Kim Kwang-gil, một luật sư làm việc KCN từ năm 2004 đến 2013, lý giải.
Nhiều biện pháp mới bao gồm lệnh cấm thành lập liên doanh với chính phủ và các tổ chức tài chính hoạt động ở Bình Nhưỡng, cụ thể như một ngân hàng để thanh toán tiền lương. Các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc cũng ngăn chặn xuất khẩu dệt may từ Triều Tiên – sản phẩm chính tại các nhà máy ở Kaesong. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cấm tất cả các sản phẩm do nhân công Triều Tiên sản xuất. Việc chuyển lượng lớn tiền mặt để trả lương cho công nhân và trả bằng đồng đô la Mỹ cũng bị coi là vi phạm các lệnh trừng phạt.
Tất nhiên, theo luật sư Kim, chính phủ Seoul vẫn có thể tìm được một số trường hợp ngoại lệ như dự án đường sắt xuyên biên giới năm ngoái, song chính sách ngoại lệ này chỉ là tạm thời và không phải là một chìa khóa đảm bảo cho tương lai KCN Kaesong.
Washington được cho là đang cân nhắc giảm các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng để đổi lấy một bước đi phi hạt nhân hóa đáng kể trước Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói với người đồng cấp Mỹ Donald Trump rằng Seoul sẵn sàng "chia sẻ gánh nặng" với Mỹ bằng cách nối lại các dự án kinh tế chung với Triều Tiên, hỗ trợ họ trong khi tiến trình phi hạt nhân hóa được thực hiện.