Người dân tham gia biểu tình tại London, Anh. Ảnh: Reuters |
Những người biểu tình đã giương các biểu ngữ với nhiều khẩu hiệu như "Nói không với Trump, nói không với chiến tranh" nhằm phản đối sắc lệnh trên và chính sách đối ngoại hiện nay của Washington.
Ngày 27/1 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh gây tranh cãi, theo đó người dân từ 7 quốc gia gồm Iran, Iraq, Syria, Yemen, Sudan, Somalia và Libya sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ trong ít nhất 90 ngày.
Sắc lệnh cũng đình chỉ việc tiếp nhận người tị nạn từ mọi quốc gia trong vòng 4 tháng và cấm vô thời hạn việc tiếp nhận người tị nạn Syria.
Tổng thống Trump khẳng định rằng sắc lệnh không nhằm vào bất kỳ tôn giáo nào mà chỉ nhằm mục đích chống khủng bố vì sự an toàn của nước Mỹ.
Một thẩm phán liên bang tại thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ), ngày 3/2 đã ra phán quyết trên quy mô toàn quốc chặn sắc lệnh này.
Tuy nhiên, nhiều người dân Anh vẫn bất bình về biện pháp mà họ coi là phân biệt đối xử của ông Trump.
Cũng trong ngày 4/2, hàng trăm sinh viên Indonesia và Philippines cũng đã biểu tình bên ngoài các đại sứ quán Mỹ ở thủ đô của nước họ để phản đối chính sách về nhập cư của tân Tổng thống Mỹ.
Tại thủ đô Jakarta của Indonesia, nhiều sinh viên và các nhà hoạt động đã kêu gọi chính phủ nước này và cộng đồng quốc tế giúp ngăn chặn lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump.
Mặc dù sắc lệnh này không bao gồm Indonesia, quốc gia có đông dân Hồi giáo nhất thế giới, và Philippines, một đồng minh quan trọng của Mỹ, nhưng Indonesia hiện là nơi cư trú của 14.000 người tị nạn đang tìm cách định cư một nước thứ 3.
Vì vậy, lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội tới Mỹ của họ.
Trong khi đó, một cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở thủ đô Manila của Philippines trước Đại sứ quán Mỹ tại nước này.