Kênh Al Jazeera cho biết vụ biểu tình xuất phát từ quảng cáo dầu gội của TRESemme trên trang web chuỗi hiệu thuốc Clicks. Quảng cáo so sánh bức ảnh của tóc người phụ nữ da màu với 2 bức ảnh tóc phụ nữ da trắng. Miêu tả dành cho bức ảnh tóc người phụ nữ da màu là “khô và hư tổn” trong khi tóc người phụ nữ da trắng lại được gọi là “đẹp, thẳng và bình thường”.
Đảng đối lập Chiến binh Tự do Kinh tế (EFF) vào ngày 7/9 kêu gọi người dân trên mạng xã hội Twitter: “Chúng ta sẽ không cho phép phân biệt chủng tộc của Clicks tiếp diễn tại Nam Phi”.
Truyền thông địa phương đưa tin một hiệu thuốc của Clicks đã bị trúng bom xăng vào sáng 7/9 và hư hại nhẹ.
Nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Nam Phi cũng thể hiện bất bình trước quảng cáo của TRESemme và đăng ảnh tóc của chính họ với từ khóa “phân biệt chủng tộc phải chấm dứt” và “tóc đen là bình thường”.
Trước sự nổi giận của công chúng, Clicks đã lên tiếng xin lỗi và gỡ hình ảnh của quảng cáo gây tranh cãi. Clicks nêu rõ: “Chúng tôi đã phạm phải sai lầm và chân thành xin lỗi vì đã khiến các bạn thất vọng”.
Unilever SA, công ty mẹ của TRESemme, cũng đăng lời xin lỗi gửi tới người tiêu dùng Nam Phi.
Năm 2018, đảng EFF cũng châm ngòi cho biểu tình khi chỉ trích cửa hàng của hãng quần áo Thụy Điển H&M tại Johannesburg có quảng cáo gây tranh cãi với hình ảnh một cậu bé da màu.
Bức ảnh quảng cáo của H&M là cậu bé mặc áo màu xanh lá cây với dòng chữ “chú khỉ bảnh nhất trong rừng”. Mạng xã hội đã dậy sóng cho rằng đây là hình ảnh phân biệt chủng tộc.