Tại một cuộc họp trực tuyến cuối tuần qua, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Sadikin cho biết biến thể AY.23 mới có nguồn gốc tại đất nước này và sở hữu những điểm tương đồng với biến thể Delta Plus bắt nguồn từ Anh.
Tuy nhiên, ông Sadikin nhận định AY.23 sẽ không gây ra một đợt bùng phát nghiêm trọng tương tự như hồi tháng 7. “May mắn là chúng ta đã vượt qua thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng Delta, do đó người dân đều còn khả năng miễn dịch”, bộ trưởng này nói.
Trong bài trình bày của mình, ông Budi cho hay AY.23 có gần 70%, hay 3.288 trong số 4.732 bộ gen của các mẫu xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh thu thập từ 12 phòng thí nghiệm trình tự gen quốc gia.
8 thành phố đã ghi nhận xu hướng gia tăng của các trường hợp mắc COVID-19 mới là Lebak ở tỉnh Banten, Sumedang ở Tây Java, Purbalingga và Kendal ở Trung Java, Tuban ở Đông Java, Teluk Wondama và Fak Fak ở Tây Papua, và Kendari ở Sulawesi.
Tuy nhiên, nhiều địa phương ở Indonesia đã dần chuyển sang trạng thái bình thường sau khi nước này kiểm soát được đợt bùng phát chủ yếu do biến thể Delta gây ra hồi tháng 5. Mức trung bình số ca trong 7 ngày đã đạt mốc đỉnh điểm vào giữa tháng 7 với 50.000 ca mỗi ngày.
Hiện số ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm xuống 1.700 ca vào đầu tháng 10 và 400 ca vào ngày 15/11. Tỷ lệ tử vong cũng giảm tương tự từ mức đỉnh trung bình trong 7 ngày là 1.700 người vào đầu tháng 8 xuống khoảng 100 người vào đầu tháng 10 và 16 người ngày 15/11.
Chính phủ Indonesia đang nỗ lực nhiều hơn nữa để khống chế tình hình dịch bệnh, không để xảy ra thêm đợt bùng phát nghiêm trọng nào. Jakarta sẽ giữ chức Chủ tịch của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G-20) vào năm 2022 và tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Bali vào quý 4 năm sau.