Tính từ ngày 13/2/2022, thành phố New York đã trải qua 692 ngày ghi nhận lượng tuyết dưới mức 2,54cm - đo tại Công viên Trung tâm (Central Park) ở quận Manhattan. Đến 19 giờ ngày 6/1, lượng tuyết tại khu vực này chỉ ở mức 0,5cm và Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ (NWS) dự báo lượng tuyết tích tụ là 2cm trước khi cơn bão tuyết di chuyển ra biển vào đêm 7/1. Các nhà khí tượng học định nghĩa chỉ khi xuất hiện lớp tuyết dày tối thiểu 1 inch (2,54cm) tại Công viên Trung tâm mới được gọi là tuyết rơi.
Chuyên gia khí tượng của NWS Marc Chenard nhận định tình trạng tuyết rơi nhẹ kéo dài trong thời gian qua có khả năng tiếp diễn kèm theo mưa. Thống kê cho thấy vào mùa Đông năm ngoái, lượng tuyết trung bình đo được là 5,84cm tại thành phố New York, mức thấp nhất trong lịch sử ghi nhận được ở một thành phố từng chứng kiến lượng tuyết rơi dày tới hơn 30cm này. Các chuyên gia cho rằng tình trạng tuyết ít tại New York là một trong những hệ lụy của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, hạn hán nghiêm trọng kéo dài tại khu vực Tây Nam nước Mỹ vào mùa Hè năm ngoái.
Khác với thành phố New York, NWS dự báo nhiều khu vực tại bang New York, bang New Jersey, khu vực Đông Bắc, bao gồm vùng New England và quốc lộ liên bang 95, có thể chứng kiến tuyết rơi dày lên tới 20 cm, thậm chí có nơi tới 30 cm. Giới chức Mỹ cảnh báo 16 triệu người dân nằm trong vùng cảnh báo bão tuyết cẩn thận trong điều kiện thời tiết xấu do đường sá trơn trượt do tuyết phủ và cây đổ.
Tại thành phố Boston, lượng tuyết ở mức 18 cm khi tuyết rơi dày hơn vào tối 6/1. Thị trường Boston Michelle Wu khuyến cáo người dân nên thận trọng khi di chuyển.
Hình thái thời tiết mùa Đông cũng xuất hiện ở các vùng phía Đông California và Bờ Tây khi tuyết rơi dày lên tới 30 cm và sức gió vào khoảng 64 km/h, gây khó khăn cho hoạt động giao thông.