Cơ quan Giám sát Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết nhiệt độ trung bình tại 48 bang thuộc lục địa nước này trong giai đoạn từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024 là 3,1 độ C - mức nhiệt cao kỷ lục kể từ năm 1890.
Nhiệt độ này cao hơn 3 độ C so với nền nhiệt trung bình của Mỹ trong thế kỷ 20. Mùa Đông ấm thứ hai tại Mỹ đến vào năm 2016, với nhiệt độ trung bình là 2,67 độ C, trong khi mùa Đông lạnh nhất được ghi nhận vào năm 1979, với mức nhiệt trung bình -3 độ C.
Tám bang trên khắp vùng Thượng Trung Tây, Great Lakes và Đông Bắc nước Mỹ đã trải qua một mùa Đông ấm nhất trong lịch sử, trong đó một phần nguyên nhân là do hình thái thời tiết El Nino.
Thời tiết ấm áp kéo dài đã khiến độ bao phủ băng trên khắp Great Lakes giảm dần và đạt mức thấp lịch sử là 2,7% vào ngày 11/2 vừa qua - thời điểm mà độ bao phủ băng thường đạt đỉnh.
Tình trạng thiếu băng sẽ ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống, từ các hoạt động kinh doanh dựa vào những môn thể thao ngoài trời, cho đến các loài cá sử dụng băng để tự bảo vệ mình trong mùa sinh sản trước những kẻ săn mồi.
Ngoài ra, tình trạng thiếu băng cũng khiến bờ biển dễ bị xói mòn hơn, làm tăng nguy cơ gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng ven biển.
Trong một thông báo ngày 7/3, Thống đốc bang Minnesota - ông Tim Walz cho biết bang này đã giải ngân nguồn tài trợ của liên bang dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do lượng tuyết giảm, như các công ty sản xuất đồ trượt tuyết, đi bộ trên tuyết hay các địa điểm tổ chức những lễ hội mùa Đông.
Nắng nóng kéo dài suốt tháng 2 vừa qua tại Mỹ. Dữ liệu cho thấy nhiệt độ trung bình tại lục địa Mỹ, không bao gồm Hawaii, Alaska và các vùng lãnh thổ ngoài khơi, là 5,06 độ C trong tháng này - và là tháng Hai ấm thứ 3 trong lịch sử khu vực này.
Tháng Hai vừa qua cũng là tháng khô hạn nghiêm trọng thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ. Mặc dù vậy, trong khi một số vùng trải qua hạn hán, các hình thái khí hậu bất thường lại mang mưa lớn và tuyết đến nhiều vùng ở miền Tây, gây ra gió mạnh, lũ lụt, lở đất và mất điện ở nhiều khu vực thuộc bang California.