Tuần trước, thị trấn nhỏ bé Lytton ở Canada đã trải qua ngày có nhiệt độ cao kỷ lục đến đáng sợ. Ngày 29/6, thị trấn này đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay 49,6 độ C trong trong một đợt nắng nóng chưa từng có kéo dài hơn một tuần, giết chết hàng trăm người và gây ra hơn 240 vụ cháy rừng.
Thông thường, nhiệt độ cao nhất trong tháng 6 tại nơi đây thường vào khoảng 25 độ C. Các đám cháy bùng phát đã biến phần lớn Lytton thành tro bụi và buộc người dân trong thị trấn phải tháo chạy.
Trong nhiều thập kỷ, giới khoa học liên tục cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ gây ra các đợt nóng thường xuyên và khắc nghiệt hơn. Giờ, thực tế này không chỉ diễn ra ở Canada mà còn ở nhiều quốc gia khác thuộc Bắc Bán cầu, khiến khu vực này đang ngày càng trở nên không thích hợp cho con người sinh sống.
Tại miền Tây nước Mỹ, nhựa đường tan chảy vì nhiệt độ ngoài trời cao. Người dân ở thành phố New York được yêu cầu không sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện năng cao như máy rửa bát hoặc máy sấy, thậm chí có nơi còn yêu cầu không sử dụng điều hòa, để kiểm soát nguồn điện phân phối do nhu cầu cao trong đợt nắng nóng này.
Tại Nga, thủ đô Moskva ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong tháng 6 với 34,8 độ C vào ngày 23/6. Ngay cả ở Vòng Bắc Cực, nhiệt độ đã tăng vọt lên 30 độ C. Tổ chức Khí tượng Thế giới đang tìm cách xác định nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay ở phía bắc Vòng Bắc Cực, sau khi một trạm thời tiết ở Verkhoyansk của Siberia ghi nhận mức nhiệt 38 độ C vào ngày 20/6.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, hàng chục triệu người ở phía Tây Bắc bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ ngày 30/6 đã đánh giá thời tiết tại thủ đô New Delhi và các thành phố lân cận là "nắng nóng cực độ nghiêm trọng", với mức nhiệt luôn dao động quanh 40 độ C, cao hơn 7 độ C so với bình thường. Nắng nóng đang khiến cuộc sống của nông dân ở những khu vực như bang Rajasthan trở nên khó khăn hơn.
Tại Iraq, chính phủ đã cho phép người lao động nghỉ ở nhà một ngày tại một số tỉnh vào hôm 1/7 do thời tiết quá khắc nghiệt. Nhiệt độ tại đây đã vượt quá 50 độ C và hệ thống điện lực đã sụp đổ.
Trả lời CNN, các chuyên gia cho biết rất khó để có thể chỉ ra chính xác những hiện tượng thời tiết này có mối liên hệ với nhau như thế nào. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định không thể có sự trùng hợp khi các đợt nắng nóng lại xảy ra ở một vài quốc gia nằm ở Bắc Bán cầu cùng một lúc.
“Mức nhiệt cao chúng ta chứng kiến tại Canada và Mỹ là kết quả của hiện tượng luồng khí quyển hẹp - các luồng gió thổi nhanh trong các dòng hẹp tồn tại ở khí quyển của Trái Đất”, Liz Bentley – Giám đốc điều hành tại Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia Anh – cho hay.
Chuyên gia Bentley giải thích các luồng khí quyển hẹp này đang ngăn hệ thống thời tiết di chuyển dọc theo con đường từ tây sang đông mọi khi. "Các luồng khí quyển hẹp này bị mắc kẹt trong khối Omega, bởi vì nó có hình dạng của chữ Omega trong tiếng Hy Lạp. Một khi luồng khí vào trong, nó sẽ không di chuyển đi đâu cả và sẽ chặn các hệ thống thời tiết khác. Những khối Omega này xuất hiện ở các khu vực khác nhau của Bán cầu Bắc”.
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang dần chấp nhận một sự thật là biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân gây ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hiện nay, đặc biệt là các đợt nắng nóng và bão.
"Biến đổi khí hậu đang gây ra các đợt nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo dài. Chúng ta đang chứng kiến những đám cháy rừng có cường độ lớn hơn, di chuyển với tốc độ nhanh hơn và kéo dài hơn cả những tháng hay xảy ra các vụ cháy", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu ngày 30/6.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu các công cụ hiện đại để có thể nhanh chóng đánh giá mức độ biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào tới một hiện tượng thời tiết cụ thể.
"Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu nhanh để có được một số câu trả lời nhanh chóng cho câu hỏi 'Vai trò của biến đổi khí hậu là gì?'. Chúng tôi nhận thấy nếu không có sự tác động của con người, thì hầu như nhiệt độ không thể đạt kỷ lục mới như vậy", nhà khí tượng học tại Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh, Nikos Christidis, kết luận.