Delta, biến chủng từng tấn công Ấn Độ hồi tháng 5, được cho là có khả năng lây nhiễm cao gấp đôi so với chủng gốc. Delta đã xuất hiện ở hơn 85 quốc gia trên thế giới và là tác nhân chiếm phần lớn tổng số ca nhiễm mới ở nhiều nước. Trên phạm vi toàn cầu, hiện chỉ còn Nam Mỹ là khu vực chưa chứng kiến bùng phát mạnh của biến chủng Delta. Chính quyền Australia và nhiều nước ở châu Á, châu Âu đang phải tái áp đặt quy định hạn chế đi lại và trì hoãn dỡ đóng cửa.
Tại Anh và một số nước đạt tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao, mối lo ngại có thể được xoa dịu phần nào, khi số liệu cho thấy tiêm chủng giúp giảm thiểu số ca tử vong hoặc bệnh nặng ở mức phải nhập viện. Nhưng ở nhiều vùng chưa được tiêm chủng, nhất là một số quốc gia ở châu Phi, các bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải. Riêng tại Indonesia, số ca mắc mới tăng lên mức kỉ lục kể từ khi đại dịch xuất hiện lần đầu tiên.
Ngay cả những nước có số ca mắc đứng ở mức thấp, biến chủng Delta cũng đang gây ra nhiều quan ngại mới. Đáng chú ý là trường hợp của Nhật Bản, nước sẽ tổ chức Thế vận Hội 2020 vào cuối tháng này. Các nhà khoa học Nhật Bản ước tính biến chủng Delta là nguyên nhân gây ra 30% số ca nhiễm mới ở thời điểm cuối tháng 6. Con số này có thể tăng lên 50% vào giữa tháng này.
Tại Australia, vùng đô thị Sydney đã bước vào giai đoạn đóng cửa lần đầu tiên sau một năm, khi mức độ lây lan của COVID-19 vượt quá khả năng truy vết, cách ly đối với những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Những ca mắc mới gần đây cho thấy biến chủng Delta có thể phát tán, lây lan chỉ sau một thời gian tiếp xúc rất ngắn, làm giảm hiệu quả của biện pháp truy vết tiếp xúc.
Chủng Delta đang hoành hành mạnh ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, với số ca mắc mới vượt trên 20.000 ca/ngày và hơn 400 ca tử vong. Khi tỉ lệ tiêm chủng trên toàn dân mới chỉ đạt 5%, giới chuyên gia y tế nước này cảnh báo trường hợp mắc mới và tử vong vì COVID-19 sẽ còn tăng.
Chính quyền Tổng thống Joko Widodo hôm 1/7 đã phải siết chặt một bước các biện pháp phòng dịch ở những vùng bị ảnh hưởng nặng, như yêu cầu nhân viên trong những ngành không thiết yếu làm việc tại nhà, tạm thời đóng cửa các cơ sở tôn giáo.
Sự xuất hiện của biến chủng có nguồn gốc từ Ấn Độ cũng khiến Hàn Quốc phải hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội ở Seoul và vùng phụ cận, dù trước đó giới chức chính quyền đã công bố kế hoạch nới lỏng dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7 như cho phép tụ tập 6 người (so với 4 trước đây) và kéo dài thời gian hoạt động của nhà hàng, quán cafe đến 12 giờ đêm. Hàn Quốc trong ngày 30/6 ghi nhận 794 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Ở châu Âu, giới chức Đức đang nỗ lực giảm lây nhiễm COVID-19 bằng biện pháp hạn chế di chuyển, nhập cảnh. Hành khách đến từ những quốc gia, khu vực có biến chủng Delta hoành hành mạnh, như Anh, Bồ Đào Nha hay Nga, Ấn Độ, đều phải tuân thủ quy định các ly 14 ngày, dù họ đã tiêm đủ liều vaccine hoặc có chứng nhận xét nghiệm âm tính. Giới chuyên gia nhận định, biến chủng Delta sẽ chiếm phần lớn các ca nhiễm mới tại Đức từ nay đến cuối tháng 7, dù tổng số ca nhiễm có thể sẽ tiếp tục giảm.
Tại Pháp, chủng Delta hiện chiếm 20% số ca nhiễm mới, tăng so với mức 10% một tuần trước đây. Chính quyền đã phải tái áp dụng một số biện pháp hạn chế mới được dỡ bỏ trước đó ở vùng tây nam, nơi biến chủng Delta lây lan mạnh. Như ở vùng Landes, chủng này là tác nhân gây ra 74% số ca nhiễm mới trong tuần trước, buộc chính phủ phải duy trì biện pháp hạn chế tụ tập, hoạt động của rạp chiếu phim, chợ, siêu thị cho đến sớm nhất là ngày 6/7.
Châu Phi là khu vực chịu nhiều sức ép. Ít nhất 21 trên tổng số 54 quốc gia ở châu lục này đang phải đối diện với bùng phát lây nhiễm mới, với số ca nhiễm tính theo ngày có xu hướng vượt trội so với những làn sóng trước đó. Mới chỉ có 1,1% trong tổng số 1,3 tỉ dân châu Phi được chích ngừa vaccine đủ liều. Các bệnh viện ở Uganda, South Africa, Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo đã rơi vào tình trạng quá tải, một số nước buộc phải tái áp đặt đóng cửa, phong tỏa.
Xét trên phạm vi toàn cầu, việc hạn chế di chuyển để ngăn chặn lây lan của biến chủng mới đã nhấn chìm hy vọng của các nền kinh tế phụ thuộc vào ngành du lịch. Trong báo cáo được công bố ngày 30/6, Liên hợp quốc nhận định kinh tế toàn cầu có thể chịu mức tổn thất 2.400 tỉ USD do tác động tiêu cực của COVID-19 đối với ngành du lịch và một số lĩnh vực khác. Khoảng 60% tổn thất này rơi vào những nước đang phát triển, cũng là khu vực có tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 thấp.