Bị Pháp trừng phạt thuế, Tổng thống Trump trả đũa ra sao?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/6 tuyên bố cân nhắc áp thuế đối với rượu vang và các sản phẩm hàng hóa khác của Pháp, như là đòn trả đũa chính sách thuế mới của quốc gia hình lục lăng này nhằm vào các công ty công nghệ lớn như Amazon, Facebook và Google.

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump (trái) có mối quan hệ khá tốt với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: EPA

Trả lời phóng viên tại Phòng Bầu dục, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông có thể áp thuế trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra trong tháng 8 tới.

"Pháp áp thuế kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ lớn của Mỹ… đó là một điều không nên làm. Chúng ta sẽ thông báo một hành động đối ứng đáng kể nhằm vào động thái của ông Macron. Tôi sẽ luôn nói rằng rượu vang của Mỹ tốt hơn rượu vang Pháp. Rượu vang của Mỹ cũng rất tuyệt, và họ đã không đúng khi đánh thuế các công ty công nghệ của chúng ta. Chúng ta sẽ đánh thuế công ty họ. Có thể là rượu, có thể là thứ gì khác. Chúng tôi sẽ sớm thông báo về điều đó”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ông vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và tiết lộ hai người vừa có cuộc điện đàm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ký thông qua đạo luật đánh thuế kỹ thuật số nhằm vào các công ty công nghệ lớn. Theo luật mới, Pháp sẽ áp thuế 3% đối với các tập đoàn công nghệ tại Pháp có doanh thu ít nhất là 750 triệu euros (hơn 834 triệu USD) mỗi năm và cung cấp các dịch vụ cho người sử dụng tại Pháp. Luật thuế mới này sẽ ảnh hưởng tới một loạt công ty công nghệ, trong đó bao gồm các công ty công nghệ hàng đầu có trụ sở tại Mỹ như Apple, Google, Facebook và Amazon.

Đầu tháng, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ thông báo sẽ triển khai một cuộc điều tra có tên gọi Section 301, cảnh báo hành động Pháp đánh thuế kỹ thuật số được coi là phân biệt đối xử đối với các công ty Mỹ.

Chính sách thuế về kỹ thuật số của Pháp khiến giới quan sát lo ngại nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mới. Bộ trưởng Tài chính nước Pháp Bruno Le Maire cho biết “đây là lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước, chính quyền Washington quyết định mở một cuộc điều tra đối với một sắc luật của Pháp”.

Pháp hiện là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), vì vậy không rõ chính quyền Trump sẽ nhắm mục tiêu cụ thể đến quốc gia này như thế nào mà không khiến toàn bộ các nước thành viên EU rơi vào một cuộc tranh chấp thương mại mới. Ngoài Pháp, Anh cũng đang lên kế hoạch áp thuế dịch vụ kỹ thuật số tương tự 2% đối với doanh thu của các công cụ tìm kiếm, nền tảng truyền thông xã hội và thị trường trực tuyến phục vụ khách hàng.

Cuộc tranh cãi về thuế công nghệ Paris-Washington bùng phát trong bối cảnh Mỹ và EU cũng vướng vào các cáo buộc trợ cấp không công bằng cho hai hãng hàng không Boeing và Airbus kéo dài 15 năm. Trước đó vào đầu tháng Bảy, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã áp lệnh thuế mới đối với hàng hóa của toàn bộ EU lên tới 4 tỷ USD, với lý do EU trợ cấp cho nhà sản xuất máy bay Airbus.

Hôm 12/4, Mỹ cũng công bố danh sách ban đầu gồm các tiểu mục thuế quan trị giá 21 tỷ USD nhằm vào hàng hóa châu Âu. Giữa tháng 4, Ủy ban châu Âu (EC) cũng công bố một danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có thể bị áp thuế trị giá 20 tỷ USD, xuất phát từ những tranh cãi về chính sách trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tổng thống Nga sẽ thăm Pháp trước thềm hội nghị G7
Tổng thống Nga sẽ thăm Pháp trước thềm hội nghị G7

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 27/7 xác nhận ông đã mời người đồng cấp Nga Vladimir Putin thăm Pháp vào ngày 19/8 tới, chỉ ít ngày trước khi Pháp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN