Cảnh sát trưởng thủ đô Dhaka, ông Javed Patwary cho biết các nạn nhân của những tin đồn trên, trong đó có 2 phụ nữ, đã bị đám đông giận dữ đánh đập dã man. Họ bị nghi ngờ có liên quan tới các tin đồn, chủ yếu lan truyền trên mạng xã hội Facebook, rằng một dự án xây dựng cây cầu trị giá 3 tỷ USD nếu muốn hoàn thành cần phải đổi lấy tính mạng của nhiều người.
Cây cầu này - được cho là lớn nhất Bangladesh sau khi khánh thành - đang được xây dựng trên sông Padma, một nhánh chính của sông Hằng.
Ông Patwary cho biết cảnh sát đã phân tích từng trường hợp và xác nhận không có đối tượng nào bắt cóc trẻ em.
Ngoài những nạn nhân trên, trên 30 người khác cũng đã bị tấn công với lý do tương tự.
Giới chức địa phương cho biết các đồn cảnh sát trên khắp cả nước đã nhận được lệnh trấn áp tin đồn thất thiệt nói trên, với ít nhất 25 kênh YouTube, 60 trang mạng xã hội Facebook và 10 trang web đã bị đóng cửa.
Cảnh sát đã bắt giữ ít nhất 5 đối tượng nghi phát tán tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội.
Việc đám đông tự ý "xử lý" những đối tượng nghi bắt cóc trẻ em nói trên được xem là hành vi đặc biệt tàn bạo. Trong số những nạn nhân bị giết hại có một bà mẹ đơn thân đang nuôi 2 con nhỏ. Người phụ nữ xấu số này đã bị đám đông giận dữ đánh đập cho tới chết ngay trước cổng một trường học.
Ngoài ra, một người đàn ông khiếm thính cũng đã bị đánh cho tới chết ở bên ngoài thủ đô Dhaka khi đang trên đường tới thăm con gái.
Những vụ việc này đã làm dấy lên lo ngại rằng đây là dấu hiệu về sự mất lòng tin của người dân đối với hệ thống luật pháp hiện hành.