Bệnh viện tại Mỹ tăng cường dự trữ thuốc y tế phòng làn sóng COVID-19 mùa thu

Các bệnh viện tại Mỹ đang tăng cường nhập kho các chủng loại thuốc kháng virus như thuốc remdesivir cùng với các loại phổ biến khác như acetaminophen. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về thuốc dùng cho điều trị đặc biệt (ICU) vẫn là vấn đề nan giải.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Biện pháp này nhằm giúp Mỹ tránh lặp phải tình cảnh thiếu hụt thuốc men y tế trong trường hợp xuất hiện làn sóng virus thứ hai, có thể là vào mùa thu tới. 

Các bệnh viện tại New York, New Jersey và một số khu vực khác từng phải đối mặt với lượng bệnh nhân COVID-19 tăng vọt hồi đầu năm đã mua và sử dụng phần lớn thuốc y tế, trong đó có thuốc giảm đau, an thần cho những bệnh nhân nặng nhất phải dùng máy thở.

Tại thời điểm đó, những mặt hàng thuốc này cũng đã khan hiếm trên thị trường, hệ quả là một số bệnh viện phải chuyển sang dùng các loại thay thế khác. 

Nhiều chủng loại thuốc, đặc biệt là thuốc dùng cho bệnh nhân diện ICU hiện vẫn khan hiếm, khi mà dịch bệnh bùng phát ở những điểm nóng mới như Florida, Texas và California, đẩy các bệnh viện giành giật các nguồn lực hạn chế. Cùng lúc, nhiều cơ sở y tế tìm cách bảo đảm nguồn cung ứng đối với nhiều loại thuốc khác vốn gần đây được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị COVID-19 như dexamethasone và remdesivir.

Theo Indu Lew, dược sĩ trưởng tại RWJBarnabas Health – đầu mối vận hành, quản lý 11 bệnh viện chăm sóc ở New Jersey, sự phòng bị này là cần thiết, bởi khi nói đến sự gia tăng, bùng phát các ca nhiễm bệnh, sẽ không thể biết đâu là thời điểm xảy ra, các nhân tố khiến dịch bệnh leo thang, không chắc được về số người nhiễm. 

Nhu cầu mua sắm thuốc men y tế tại các bệnh viện tăng vọt trong tháng 4 vừa qua. Lượng thuốc an thần, giảm đau đặt mua trong tháng 4 đã tăng gấp bốn lần so với tháng 1 -  thống kê của tập đoàn Vizient Inc., đơn vị chuyên thay mặt các bệnh viện mua sắm thuốc men, vật tư y tế cho biết.

Chú thích ảnh
Một trung tâm y tế thuộc chuỗi bệnh viện RWJBarnabas Health. Ảnh: WSJ

Do cầu vượt cung, nên chỉ một nửa trong tổng số đơn mua hàng của các bệnh viện được đáp ứng trong tháng 4, trong khi tại thời điểm tháng 1 hầu như không gặp khó khăn gì về nguồn cung.  

Việc các bác sĩ phải điều trị liều cao hơn đối với bệnh nhân COVID-19 so với bệnh nhân phẫu thuật thông thường cũng tạo thêm áp lực căng thẳng cho kho thuốc y tế tại bệnh viện. Để nhanh chóng có được nguồn thuốc, các bệnh viện nhiều khi phải mua trực tiếp từ nhà sản xuất thay vì từ các nhà bán lẻ, dẫn đến mức giá có thể sẽ cao hơn. 

Các bệnh viện đang chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản dịch bùng lại vào mùa thu tới, dù chưa biết quy mô ở mức nào. Khoảng 90% bệnh viện, hệ thống y tế tại Mỹ đang làm đầy kho dự trữ với 20 loại thuốc thiết yếu. Một nửa trong số này đặt mục tiêu có đủ nguồn cung thuốc dùng trong một tháng, kể cả với bệnh nhân phải chạy máy thở. 

Một số thuốc, đặc biệt là thuốc an thần dùng gây mê, giảm đau như loại fentanyl nằm trong diện ưu tiên mua sắm hàng đầu, ngay cả khi thuốc này vẫn còn ở giai đoạn kiểm định phân phối - tức chưa thể cung cấp ngay ra thị trường do nguồn cung hạn hẹp. Chính phủ Mỹ đã nới lỏng kiểm soát đối với một số chất, như thuốc giảm đau điều trị COVID-19, cho phép việc mua bán, vận chuyển chất này. 

Một trong những loại thuốc được tìm kiếm nhiều nhất là cisatracurium - thuốc chẹn thần kinh cơ hoặc giãn cơ xương được sử dụng bổ sung trong gây mê để tạo điều kiện đặt nội khí quản cho bệnh nhân sử dụng máy thở. Nhu cầu của các bệnh viện với loại thuốc này tăng 45 lần mức bình thường.

“Mọi người đều đang cố khôi phục nguồn cung với cisatracurium. Thuốc được bán rất nhanh trong thời kỳ COVID-19 lây lan mạnh”, Paula Gurz, Giám đốc cấp cao phụ trách mảng thầu dược tại hãng Premier - đầu mối chuyên kết nối các bệnh viện với nhà cung cấp y tế, cho biết. 

Kế đến là các loại thuốc phổ biến khác được cho là có hiệu quả trong điều trị COVID-19. Hệ thống bệnh viện University Hospitals có trụ sở ở Cleveland bang Ohio đang cho nhập thêm nhiều thuốc chống đông máu như heparin, có tác dụng giảm biến chứng mà SARS-CoV-2 gây ra. 

Theo Stephen Schondelmeyer, giáo sư chuyên ngành kinh tế dược tại Đại học Minestoa, thách thức không chỉ đến từ việc các bệnh viện chay đua tìm kiếm nguồn cung dược phẩm, thuốc men hạn chế, mà là việc cầu đối với mặt hàng này sẽ dịch chuyển theo hướng nào khi dịch bùng phát. 

“Những gì xảy ra tới đây sẽ phụ thuộc nhiều vào việc COVID-19 diễn biến theo kiểu nào. Mỗi nhà sản xuất, nhà bán lẻ và mỗi bệnh viện đều có thể tích trữ lượng hàng họ muốn, đến khi nào nguồn cung hết thì thôi. Và sao đó người chậm chân sẽ chẳng có gì nữa”, ông Schondelmeyer chia sẻ. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (WSJ)
Vaccine phòng COVID-19 của công ty Moderna vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng
Vaccine phòng COVID-19 của công ty Moderna vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng

Công ty sinh học Moderna của Mỹ ngày 14/7 thông báo kế hoạch ngày 27/7 tới  sẽ tiến hành giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối cùng thử nghiệm vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do công ty phát triển. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN