Theo trang StudyFinds.org, một nhóm nghiên cứu tại Trường Y khoa Grossman thuộc Đại học New York (Mỹ) đã phát hiện ra rằng lượng protein trong máu ở những bệnh nhân COVID-19 cao hơn đáng kể so với những người mắc Alzheimer. Alzheimer là căn bệnh suy thóai thần kinh khiến trí nhớ và các chức năng tâm thần khác bị tổn hại. Lượng protein trong máu của những người mắc căn bệnh này vốn tăng rất cao.
Cụ thể, nhóm các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu 251 bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 trong những tháng đầu tiên dịch bệnh bùng phát vào năm 2020. Độ tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu là 71 tuổi, tất cả đều có sức khỏe tốt, không có tiền sử mất trí nhớ hoặc suy giảm nhận thức. Các nhà nghiên cứu đã chia những bệnh nhân này thành hai nhóm: có và không có các triệu chứng suy thoái thần kinh do COVID-19.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đã so sánh những bệnh nhân này với 1 nhóm người trong nghiên cứu của Đại học New York về chứng mất trí nhớ - bao gồm 54 người khỏe mạnh, 54 người bị suy giảm nhân thức nhẹ và 53 người mắc bệnh Alzheimer. Không có người nào trong số họ mắc COVID-19 trong quá trình nghiên cứu.
Nghiên cứu phát hiện rằng trong thời gian ngắn nhiễm virus SARS-CoV-2, các bệnh nhân xuất hiện 7 dấu hiệu tổn thương não với mức độ cao hơn đáng kể so với bệnh nhân Alzheimer không mắc COVID-19. Thậm chí, một trong những dấu hiệu tổn thương não ở người mắc COVID-19 cao hơn gấp 2 lần bệnh nhân Alzheimer.
Dấu hiệu chính của tổn thương não ở những bệnh nhân COVID-19 là tình trạng não chuyển hóa nhiễm độc (TME). Các triệu chứng bao gồm từ lú lẫn đến hôn mê, do các chất độc được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch phản ứng (nhiễm trùng huyết), suy thận và không đủ ôxy trong mô.
Kết quả cũng cho thấy dấu hiệu tổn thương não ở bệnh nhân COVID-19 gặp tình trạng TME cao hơn 60% so với những người không có triệu chứng suy thoái thần kinh. Những người tử vong do COVID-19 có mức độ tổn thương não cao hơn 124% so với những người sống sót sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
“Phát hiện của chúng tôi cho thấy những bệnh nhân nhập viện do COVID-19, đặc biệt là những người có các triệu chứng thần kinh trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính, có thể có mức độ tổn thương não bằng hoặc cao hơn mức thường thấy ở những người bị bệnh Alzheimer”, Giáo sư Jennifer Frontera, Tác giả chính của nghiên cứu, làm việc tại khoa Thần kinh của trường Đại học New York, cho biết trong một thông cáo.
Tác giả cấp cao Thomas Wisniewski, Giám đốc Trung tâm Thần kinh Nhận thức tại Đại học New York, nhận định: “Liệu những tổn thương não này còn tồn tại ở những người sống sót sau khi mắc COVID-19 nặng hay không là một câu hỏi mà chúng tôi đang tìm lời giải bằng việc theo dõi sát sao những bệnh nhân này.”
Nghiên cứu đã được đăng trên chuyên san Alzheimer’s & Dementia: The Journal of the Alzheimer’s Association.