Bầu cử Mỹ: Quan điểm của Phó Tổng thống Kamala Harris về Trung Quốc và châu Á

Quan điểm về vấn đề Trung Quốc và châu Á là một trong những trọng tâm được chú ý sau khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đứng trước cơ hội thành ứng viên đảng Dân chủ do ông Biden chấm dứt chiến dịch tranh cử.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: Joe Biden/X

Ngay sau khi Tổng thống Joe Biden bất ngờ tuyên bố rút khỏi chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 2024, đồng thời ủng hộ “phó tướng” Kamala Harris thay ông gánh vác trọng trách này, các lãnh đạo đảng Dân chủ ở các bang đã tiến hành hội nghị trực tuyến .

Trong thông báo sau hội nghị, ông Ken Martin - Chủ tịch Hiệp hội các ủy ban đảng Dân chủ Mỹ cấp bang nêu rõ tất cả thành viên của hiệp hội hoàn toàn nhất trí ủng hộ bà Harris - một người đã trải qua nhiều thử thách cam go và chứng minh được năng lực trong thực tiễn.

Với sự ủng hộ này, nhiều khả năng bà Harris trở thành ứng cử viên được đảng Dân chủ lựa chọn tại đại hội toàn quốc sắp tới để ra tranh cử với ứng cử viên của đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump, trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11.

Theo tờ Politico, nếu được bầu làm tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, bà Harris sẽ nhậm chức với thành tích chính sách đối ngoại được xác định bởi nhiệm kỳ làm thượng nghị sĩ bang California khi ông Donald Trump cầm quyền và thời gian chính trị gia này làm phó tổng thống dưới thời Joe Biden - một trong những tổng thống giàu kinh nghiệm nhất lịch sử Mỹ về các vấn đề quốc tế.

Tờ Politico cho rằng trong hầu hết các lĩnh vực, bà Harris có thể sẽ tiếp tục nhiều mục tiêu chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden.

Đối với châu Á, bà Harris có thể sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn của chính quyền Biden đối với Trung Quốc nếu được bầu làm tổng thống. Với tư cách là thượng nghị sĩ, bà Harris từng chỉ trích cách tiếp cận của ông Trump với Bắc Kinh.

Trong cuộc tranh luận năm 2020 với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, bà Harris nói rằng ông Trump “đã thua trong cuộc chiến thương mại” và chính sách thuế quan của ông Trump đã gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ mà không tái cân bằng mối quan hệ Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, giống như các quan chức khác thuộc chính quyền Mỹ, bà Harris ủng hộ việc “giảm thiểu rủi ro” từ Bắc Kinh thông qua khuyến khích giảm mức độ phụ thuộc của các nền kinh tế phương Tây vào Trung Quốc.

Xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS năm ngoái, bà Harris nói: “Không phải là rút lui mà là đảm bảo rằng chúng tôi đang bảo vệ lợi ích của Mỹ và chúng tôi là người dẫn đầu về các quy tắc hoạt động, chứ không phải tuân theo các quy tắc của người khác”.

Bà Harris cũng thẳng thắn nói về các vấn đề nhạy cảm đang làm ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Trung khi ủng hộ hoặc làm đồng tài trợ cho các dự luật liên quan tới cái mà Mỹ gọi là vấn đề nhân quyền ở Hong Kong hay vấn đề nhân quyền ở Tân Cương….

Theo Politico, chính quyền Harris có thể sẽ tiếp tục các sáng kiến ​​nhằm tăng cường liên minh ở châu Á - Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy về địa chính trị của Trung Quốc.

Xem video những hoạt động công khai cuối cùng của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris trước khi ông Biden rút lui khỏi cuộc đua tổng thống. Nguồn: Reuters

Ngoài vấn đề Trung Quốc, bà Harris còn theo dõi chặt chẽ khu vực Đông Á với tư cách là thượng nghị sĩ, thường xuyên giới thiệu hoặc đồng tài trợ cho luật lưỡng đảng thúc đẩy nhân quyền ở Myanmar.

Bà Harris phản đối cuộc tấn công quyến rũ của ông Trump đối với Triều Tiên và chỉ trích chính quyền Trump đã không làm đủ để kiềm chế các mối đe dọa hạt nhân….

Thành Nam/Báo Tin tức
Tin nóng thế giới sáng 23/7
Tin nóng thế giới sáng 23/7

Bản tin nóng thế giới sáng 23/7 có những nội dung sau đây:
- Ba Lan cảnh báo châu Âu cần chuẩn bị cho sự thay đổi trong quan hệ với Mỹ;
- Mỹ triển khai thiết bị gây nhiễu các vệ tinh của Trung Quốc và Nga;
- UAV tấn công các sân bay quân sự trên lãnh thổ Nga;
- Bỉ kêu gọi EU thống nhất lập trường về tình hình ở Gaza.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN