Bất ổn tại nhiều nước châu Phi

Ngày 14/4 (giờ VN), làn sóng biểu tình chống chính phủ tại Xyri tiếp tục lan rộng tới nhiều thành phố. Hàng nghìn phụ nữ và trẻ em đã phong tỏa tuyến đường chính giữa hai thành phố duyên hải Tartous và Banias (miền bắc Xyri), yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt giữ khi tham gia biểu tình trước đó tại Banias và Baida.

Trong khi đó, ở thành phố Aleppo, khoảng 500 sinh viên biểu tình đòi bãi bỏ Luật tình trạng khẩn cấp của Xyri (có hiệu lực từ khi Đảng Baath cầm quyền hiện nay lên lãnh đạo vào tháng 3/1963, theo đó áp đặt các hạn chế đối với hoạt động tụ tập và đi lại nơi công cộng, cho phép bắt giữ "những nghi phạm hay các đối tượng đe dọa an ninh"...). Đụng độ đã xảy ra giữa lực lượng an ninh và các sinh viên quá khích. Các cuộc biểu tình của sinh viên cũng diễn ra ở thủ đô Đamát.

Nhà chức trách Xyri cùng ngày đã công bố đoạn băng ghi hình, trong đó ba thành viên của một nhóm khủng bố có vũ trang thừa nhận đã nhận tiền và vũ khí từ Libăng để gây rối và kích động biểu tình tại Xyri, đặc biệt là tại Đamát, Latakia và Banias. Tuy nhiên, một nghị sĩ Libăng mà các phần tử này nhắc đến trong đoạn băng đã phủ nhận mối liên quan này.

Tại Xoadilen (ở Nam Phi), hơn 1.000 người đã biểu tình tại thành phố Manzini, trung tâm kinh tế lớn của đất nước, đòi cải thiện đời sống xã hội, bãi bỏ lệnh cấm các đảng phái chính trị hoạt động và khôi phục lại cơ quan hiến pháp.

Cảnh sát bắn đạn hơi cay để giải tán một nhóm biểu tình ngày 13/4 tại Manzini (Xoadilen). Ảnh: AFP/ TTXVN


Lo ngại làn sóng biểu tình có thể lan rộng tại quốc gia có chế độ quân chủ cuối cùng tại châu Phi này, cảnh sát đã dùng đạn cao su và vòi rồng để giải tán các cuộc biểu tình. Một số người biểu tình đã bị bắt giữ.

Tình hình bất ổn tại Xoadilen bùng phát từ ngày 12/4, khi trên mạng Internet và điện thoại di động xuất hiện chiến dịch kêu gọi biểu tình. Cách đây 38 năm, chính quyền Xoadilen đã ban hành lệnh cấm các đảng phái chính trị hoạt động và giải tán quốc hội.

Ngày 14/4 (giờ VN), nhà chức trách Ai Cập đã bắt giam cựu Chủ tịch Quốc hội nước này Fathi Surour trong 15 ngày để điều tra về những cáo buộc tham nhũng.

Ông Surour giữ chức Chủ tịch Quốc hội Ai Cập từ năm 1991 và là nhân vật chủ chốt trong Đảng Dân chủ Quốc gia cầm quyền cho đến khi quốc hội nước này bị giải tán sau khi chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak sụp đổ tháng 2 vừa qua. Ông Surour đối mặt với những cáo buộc biển thủ công quỹ và lạm quyền.

Vụ bắt giữ ông Surour diễn ra vài giờ sau khi công tố viên ra lệnh bắt giữ ông Mubarak và hai con trai của ông. Trong khi đó, phong trào biểu tình ở Ai Cập tiếp tục gây sức ép đòi quân đội cầm quyền truy tố các nhân vật cấp cao trong chế độ ông Mubarak.

Tại Cốt Đivoa, Tổng thống được quốc tế công nhận, ông Alassane Ouattara đã cam kết ưu tiên việc đảm bảo an ninh cho người dân nước này tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi lật đổ chính quyền của Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo.

Ông Ouattara cho biết sẽ lập lại hòa bình tại Cốt Đivoa trong 2 tháng tới, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, thiết lập kỷ cương luật pháp, yêu cầu các tổ chức vũ trang dân sự tạm ngừng hoạt động, thu giữ và phá hủy các loại vũ khí. Ông cũng cho biết, Bộ Tư pháp nước này đang chuẩn bị tiến hành truy tố cựu Tổng thống bị bắt giữ Gbagbo, đồng thời nhấn mạnh ông Gbagbo sẽ phải đối mặt với công lý ở cả trong nước và quốc tế.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng ngày đã ra tuyên bố hoan nghênh ông Ouattara đảm đương trách nhiệm là người đứng đầu nhà nước Cốt Đivoa và kêu gọi ông thành lập một chính phủ liên hiệp mở rộng.

TTG – Lê Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN