Bất chấp Quốc hội phản đối, Mỹ âm thầm yêu cầu các ngân hàng giữ quan hệ với Nga

Trong khi các thành viên Quốc hội Mỹ phản đối thì các quan chức Mỹ đề nghị các ngân hàng nước này giữ mối quan hệ với một số thực thể quan trọng ở Nga.

Sức ép từ hai bên

Chú thích ảnh
Ông Jamie Dimon (trái) và bà Jane Fraser tại phiên điều trần ở Quốc hội ngày 21/9. Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon đang ngồi trên “ghế nóng”.

Sau phiên điều trần kéo dài 7 giờ tại Quốc hội vào ngày 21/9, Hạ nghị sĩ Brad Sherman (thành viên đảng Dân chủ từ California) đã chất vấn ông Dimon về việc ngân hàng của ông có cắt đứt quan hệ với các công ty Nga, kể cả tập đoàn năng lượng Gazprom hay không.

Ông Sherman cho rằng các ngân hàng như ngân hàng của ông Dimon đang sử dụng lỗ hổng trừng phạt để tiếp tục kinh doanh ở Nga bất chấp xảy ra xung đột ở Ukraine.

Ông Dimon trả lời chất vấn trên: “Chúng tôi đang làm theo hướng dẫn mà Chính phủ Mỹ yêu cầu chúng tôi làm”.

Sau đó, ông Sherman quay sang mục tiêu khác là bà Jane Fraser của Citigroup với một câu hỏi tương tự.

Cuộc trao đổi trên cho thấy các ngân hàng lớn nhất Mỹ đang đứng giữa sức ép của chính quyền Tổng thống Joe Biden và Quốc hội Mỹ về các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, phía sau hậu trường, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao đã thúc giục các ngân hàng lớn như JPMorgan và Citigroup tiếp tục kinh doanh với một số công ty chiến lược của Nga.

Nỗ lực âm thầm này là một phần trong những điều mà chính quyền Mỹ cố gắng làm để giảm thiểu tác động tiêu cực của biện pháp trừng phạt Nga.

Mặc dù một số thành viên Quốc hội bàn về các biện pháp mạnh mẽ hơn chống Nga, nhưng chính quyền Mỹ lại đang vừa cố gắng cản trở những bước tiến của Nga vừa tránh thảm họa kinh tế toàn cầu.

Ông Nnedinma Ifudu Nweke, luật sư chuyên về các lệnh trừng phạt kinh tế và cấm vận thương mại của Mỹ tại Akin Gump Strauss Hauer & Feld LLP, cho biết: “Quốc hội cần phải hiểu điều này. Chính phủ Mỹ chưa áp đặt lệnh cấm vận toàn diện với Nga, vẫn có nhiều doanh nghiệp được phép”.

Theo ông Nweke, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục có các cuộc họp để thông báo với các ngân hàng về phạm vi giao dịch được phép, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân đạo.

Chính quyền Mỹ đã nhiều lần cho biết họ muốn các ngân hàng và doanh nghiệp giữ dòng tiền chảy vào các lĩnh vực không bị trừng phạt của nền kinh tế Nga. Nhưng thông tin về điều này chưa xuất hiện trước đây.

Các quan chức Bộ Tài chính và Ngoại giao đã kêu gọi các ngân hàng Mỹ tiếp tục cung cấp các dịch vụ cơ bản như thanh toán bằng đô la Mỹ, chuyển tiền thanh toán và tài trợ thương mại cho những công ty Nga được miễn một số khía cạnh của lệnh trừng phạt như Gazprom, nhà sản xuất phân bón Uralkali, hay PhosAgro.

Điều này cho thấy các ngân hàng và Chính phủ Mỹ phải duy trì cân bằng khi vừa hạn chế tạo thêm doanh thu cho Nga mà vừa hạn chế gây ra những cú sốc kinh tế lớn hơn.

Các ngân hàng ​​sẽ phải thực thi biện pháp trừng phạt bằng cách từ chối dịch vụ đối với các ngân hàng, cá nhân và tổ chức bị trừng phạt. Họ có thể bị phạt nhiều tỷ USD nếu không tuân thủ.Đồng thời, các ngân hàng cũng lại đóng vai trò trung tâm để giữ cho tiền lưu thông trên toàn cầu, ngay cả khi phần lớn đang rút lui hoạt động khỏi Nga.

Tại Citigroup, các giám đốc điều hành đã dành nhiều tháng để giảm hoạt động ở Nga, giảm các công cụ phái sinh và cắt giảm mức thâm hụt tổng thể tại Nga xuống còn 7,9 tỷ USD vào ngày 30/9, từ mức 9,8 tỷ USD vào đầu năm.

Rất lâu trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Citigroup đã thông báo ý định rút khỏi lĩnh vực ngân hàng tiêu dùng ở Nga. Vào tháng 8, tập đoàn này cho biết họ sẽ giảm các hoạt động đó cùng với bộ phận ngân hàng thương mại. Bà Fraser vào tháng trước cho biết Citigroup cũng sẽ ngừng hoạt động tại Nga.

Tương tự, JPMorgan bắt đầu rút lui khỏi hầu hết các hoạt động tại Nga sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine, mặc dù công ty này cho biết sẽ tiếp tục một số hoạt động ở mức hạn chế.

Các nhân viên phụ trách vấn đề tuân thủ của ngân hàng không chỉ gặp khó khăn vì các lệnh trừng phạt của Mỹ. Một giám đốc điều hành ngân hàng cấp cao cho biết Mỹ có thể khuyến khích ngân hàng kinh doanh với một công ty nào đó, nhưng bản thân công ty đó lại nằm trong diện trừng phạt của Liên minh châu Âu.

Ngân hàng thận trọng

Chú thích ảnh
Trụ sở ngân hàng JPMorgan Chase ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhìn chung các nỗ lực của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo và Liz Rosenberg, trợ lý thư ký về vấn đề chống tài trợ khủng bố và tội phạm tài chính, giám sát. Bộ này cũng đã tạo ra các trang câu hỏi thường gặp để nhắc nhở các ngân hàng rằng một số ngành năng lượng, ngũ cốc, thông tin liên lạc và các ngành kinh doanh khác được miễn trừ. Họ cũng đã cấp các giấy phép chung để giúp các ngân hàng hiểu rõ hơn rằng có thể tiếp tục các hoạt động đó.

Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn tỏ ra thận trọng và họ kéo dài quy trình xem xét đối với ngay cả những khách hàng Nga không bị trừng phạt. Điều đó đã khiến chính quyền Mỹ phải khuyến khích các ngân hàng tiếp tục làm ăn với một số công ty Nga nhất định để nỗ lực tránh gây ra nạn đói hàng loạt.

Trong một trường hợp, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Mỹ đã thông báo rõ ràng với các ngân hàng rằng họ không cấm PhosAgro - nhà sản xuất phân lân lớn nhất châu Âu. Thay vào đó, cơ quan này kêu gọi: “Về cơ bản, thương mại trong lĩnh vực nông sản và y tế không phải là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Nga”.

Việc Mỹ và các đồng minh sử dụng hệ thống tài chính làm phương pháp trừng phạt đã đẩy các ngân hàng toàn cầu lên tuyến đầu trong thực thi vô số biện pháp chống Nga. Các ngân hàng đã có các cuộc thảo luận thường xuyên với chính quyền Mỹ từ trước xung đột ở Ukraine.

Trong thực tế, trừng phạt nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới không đơn giản vì Nga có nhiều kết nối trên nhiều thị trường toàn cầu, gồm thị trường hàng hóa và nông nghiệp. Điều đó khác với các chế độ trừng phạt trước đây, như các chế độ trừng phạt Triều Tiên hoặc Iran

Nga và Ukraine xuất khẩu hơn 1/4 lượng lúa mì, 70% lượng dầu hướng dương và 14% lượng ngô toàn cầu.

Ông Nweke nói: “Mục tiêu là không bao giờ để người dân chịu thiệt hại. Mục tiêu là không bao giờ để những người Nga bình thường phải chịu đựng. Và vì vậy, các chính sách của Mỹ phải tìm cách khuyến khích các giao dịch trog lĩnh vực nhân đạo và chúng ta cần các ngân hàng thực hiện điều đó”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
EU cảnh báo Serbia vì không tham gia trừng phạt Nga
EU cảnh báo Serbia vì không tham gia trừng phạt Nga

EU cho rằng việc Serbia không tham gia các lệnh trừng phạt Nga có thể cản trở tham vọng gia nhập Liên minh này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN