Tuyên bố của Bayer cho biết việc sáp nhập Monsanto vào tập đoàn có trụ sở tại thành phố Leverkusen hiện có thể bắt đầu sau khi Bayer hoàn tất việc bán mảng kinh doanh nông hóa học cho tập đoàn đối thủ BASF cũng của Đức với giá 5,9 tỷ euro (6,7 tỷ USD).
Tháng 9/2016, Bayer đã thông báo về việc mua lại Monsanto với trị giá 66 tỷ USD. Thương vụ này sẽ cho phép tập đoàn của Đức thâm nhập vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống, đồng thời tạo ra đế chế sản xuất thuốc trừ sâu và hạt giống lớn hàng đầu thế giới.
Sau khi ký kết, thương vụ Bayer-Monsanto sẽ tạo ra một tập đoàn toàn cầu với 115.000 nhân viên và doanh thu hàng năm lên tới 45 tỷ euro (53 tỷ USD).
Hồi tháng 8/2017, Liên minh châu Âu (EU) từng mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng về thương vụ này do lo ngại rằng vụ thâu tóm sẽ ảnh hưởng tới hoạt động cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh doanh về thuốc trừ sâu, hạt giống hay một số hoạt động khác về nông nghiệp.
Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua, EU đã thông qua thương vụ trên sau khi nhận được một số nhân nhượng từ Bayer, trong đó có việc Bayer bán mảng kinh doanh nông hóa học cho BASF.
Tuy nhiên, thương vụ này mới đây lại gặp trắc trở khi ngày 10/8, một tòa án tại bang California của Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu công ty Monsanto bồi thường 289 triệu USD cho ông Dewayne Johnson, bị ung thư giai đoạn cuối do người này đã sử dụng thuốc Roundup của Monsanto để chăm sóc các vườn trường học trong gần 30 năm qua.
Tuy nhiên, phía Monsanto khẳng định sản phẩm Roundup của họ là an toàn và tuyên bố sẽ kháng cáo. Giá cổ phiếu của Bayer đã giảm 10% xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm qua sau phán quyết trên.