Khảo sát của Bloomberg được thực hiện trên 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tiêu chí đề ra là có GDP từ 200 tỉ USD trở lên. Có 10 thông số được Bloomberg lấy làm căn cứ để phân tích, đánh giá và xếp hạng: Số ca nhiễm, tỉ lệ tử vong, mức độ nghiêm trọng của tình trạng đóng cửa, dự báo tăng trưởng GDP, khả năng cung ứng dịch vụ y tế, vaccine ngừa COVID-19 cho người dân... Trong đó có 7 thông số được cập nhật theo ngày, 1 thông số cập nhật theo quý và 2 thông số còn lại cập nhật theo năm.
Các quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Á chiếm áp đảo các vị thế hàng đầu. New Zeland xếp hạng thứ nhất, tiếp sau là Nhật Bản, Đài Loan/Trung Quốc, Hàn Quốc và Phần Lan. Vị trí cuối bảng thuộc về Mexico, Argentina, Peru, Bỉ và Cộng hòa Séc. Việt Nam xếp hạng thứ 10, ngay sau Đan Mạch và xếp trước Singapore.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, một số nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh – từng đứng hàng đầu về khả năng đối phó với dịch bệnh tại thời điểm đầu năm 2020, đã bị tụt hạng mạnh do số ca lây nhiễm COVID-19 tăng vọt gần đây, cùng với đó là việc phải đối diện với tình cảnh đóng cửa gây ra những hệ quả đắt giá về kinh tế-xã hội.
Về ngôi đầu của New Zealand, báo cáo của Bloomberg đánh giá nước này chỉ ghi nhận hai ca nhiễm/100.000 dân mỗi tháng và tỉ lệ tử vong là 5/1.000.000 dân và vì thế “có thể coi người dân New Zealand về cơ bản đang sống trong một thế giới không có COVID-19”.
Về Nhật Bản, các nhà phân tích của Bloomberg đánh giá cao nước này đã có sẵn một trung tâm y tế với đầy đủ đội ngũ nhân viên truy vết chuyên nghiệp, được đào tạo và từng tham gia vào khống chế bệnh lao trong vào năm gần đây.
Tuy số ca mắc mới tăng trong thời gian mùa đông này, nhưng đất nước 120 triệu dân chỉ ghi nhận khoảng 330 trường hợp nhiễm COVID-19 thể nặng tính đến thời điểm báo cáo được công bố. Một điểm cộng khác chính là việc Nhật Bản đã sớm ký kết 4 hợp đồng mua vaccine với 4 hãng lớn để có thể tiêm ngừa miễn phí cho toàn bộ dân số.