Tạp chí Phố Wall (WSJ) cho biết bản tài liệu dài 17 trang đóng dấu ngày 15/2/2022 bao gồm những chi tiết về dự thảo thỏa thuận hòa bình được Nga và Ukraine thảo luận ngay sau khi xung đột giữa hai nước bùng nổ vào tháng 2/2022. Theo tờ báo này, Kiev duy trì tính trung lập là một trong những yêu cầu quan trọng mà phía Moskva đưa ra. Dự thảo thoả thuận cũng hạn chế quy mô quân đội của Kiev và buộc Ukraine công nhận Crimea là một phần của Nga.
Phản ứng trước tập tài liệu được công bố, Thư ký Báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moskva và Kiev đã đồng ý về một dự thảo hiệp ước hòa bình vài tuần sau khi giao tranh bắt đầu, nhưng Nga không muốn tài liệu này được công khai. “Toàn bộ quá trình đàm phán đã bị chấm dứt do quyết định từ phía Ukraine sau khi có chỉ đạo của Anh”, ông Peskov nhấn mạnh.
Nga và Ukraine đã tổ chức hội đàm tại Istanbul vào cuối tháng 3/2022. Ban đầu, Moskva bày tỏ sự lạc quan về tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, sau đó, Nga cáo buộc Ukraine đi ngược lại mọi tiến bộ đạt được ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho rằng họ đã mất niềm tin vào các nhà đàm phán của Kiev.
Truyền thông đưa tin Thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson đã đặc biệt tới Kiev để thuyết phục chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky rút khỏi các cuộc đàm phán với Moskva. Điều này cũng đã được nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine tại Istanbul David Arakhami xác nhận vào tháng 11/2022.
Về phía mình, cựu Thủ tướng Johnson phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong việc làm chệch hướng các cuộc đàm phán hòa bình.
Theo WSJ, dự thảo thỏa thuận hòa bình không đề cập đến những vùng của Ukraine sau này sáp nhập vào Nga. Báo Mỹ chỉ ra vấn đề này dự kiến được thảo luận trong các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Zelensky, nhưng điều này chưa bao giờ thành hiện thực.
Báo này cho biết các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga dự kiến trở thành những người bảo đảm cho thỏa thuận hòa bình.
Nga và Ukraine đã không ngồi vào bàn đàm phán kể từ các cuộc đàm phán ở Istanbul. Các quan chức Nga đã nhiều lần lên tiếng sẵn sàng giải quyết khủng hoảng thông qua ngoại giao. Moskva đổ lỗi cho Kiev và những nước ủng hộ ở phương Tây vì đã từ chối tham gia đối thoại, đồng thời cho rằng điều này khiến Moskva không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình trên chiến trường.