Các cuộc biểu tình phản đối biến thành bạo lực đường phố tại một số thành phố kể từ ngày 14/4 vừa qua đã làm 26 cảnh sát và 14 dân thường bị thương. Khoảng 20 xe cảnh sát bị đốt hoặc bị đập phá.
Trong thông báo ngày 18/4, Giám đốc Cảnh sát quốc gia Anders Thomberg cho biết các đối tượng gây bạo loạn tìm cách sát hại các nhân viên cảnh sát, trong đó nhiều phần tử tội phạm lợi dụng tình hình để gây rối mà không hề liên quan đến các cuộc biểu tình phản đối hành vi đốt cuốn Kinh Koran. Ông cũng nêu rõ dù lực lượng bảo vệ pháp luật đã được tăng cường nhưng vẫn không đủ để kiểm soát tình hình đang diễn biến rất nhanh. Do vậy, cần có thêm các nguồn lực bổ sung.
Theo người đứng đầu Đơn vị Cảnh sát đặc nhiệm Jonas Hysing, nhiều người biểu tình quá khích đã đốt xe và ném đá vào cảnh sát trong các cuộc đụng độ ngày 17/4. Khoảng 200 người tham gia có hành động bạo lực và cảnh sát chống bạo động phải tự vệ bằng vũ khí, bắt giữ nhiều phần tử quá khích.
Trong khi đó, các nước theo đạo Hồi đã lên tiếng phản đối việc đốt Kinh Koran. Ngày 17/4, Bộ Ngoại giao Iraq đã triệu đại biện lâm thời Thụy Điển tại thủ đô Baghdad để cảnh báo vấn đề có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho quan hệ của Thụy Điển với thế giới Hồi giáo. Một cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra bên ngoài Đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Tehran của Iran.
Theo Hãng thông tấn chính thức của Saudi Arabia, nước này lên án hành động của một số phần từ cực đoan tại Thụy Điển và hành động khiêu khích của họ chống lại các tín đồ Hồi giáo. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích sự do dự của giới chức các nước trong ngăn chặn hành động khiêu khích và bài đạo Hồi.
Các hành động phản đối này bùng phát sau khi vào ngày 16/4, chính khách người Thụy Điển gốc Đan Mạch theo đường lối cực hữu Rasmus Paludan, người đứng đầu nhóm Hard Line phản đối người nhập cư và bài đạo Hồi, có hành động đốt cuốn Kinh Koran. Ngoài ra, ông này còn công bố lịch trình tới một loạt thành phố ở Thụy Điển có đông tín đồ Hồi giáo sinh sống để vận động tranh cử và thực hiện việc đốt các cuốn sách Kinh Koran.