Chiến dịch “đóng cửa Bangkok” của phe biểu tình chống chính phủ Thái Lan đã bước sang tuần thứ hai và ngày càng có nhiều dấu hiệu bạo lực. Mới nhất là các vụ nổ nhằm vào người biểu tình ở trung tâm Bangkok khiến 28 người bị thương.
Bạo lực liên tiếp
Theo các nhân chứng, các vụ nổ xảy ra cách nhau chỉ vài phút tại khu vực tượng đài Chiến thắng ngày 19/1. Khi các diễn giả đang phát biểu trên sân khấu thì tiếng nổ đầu tiên vang lên. Mọi người bị hất tung xuống sàn. Gần hai phút sau đó là một tiếng nổ khác khiến người biểu tình hoảng loạn tháo chạy. Sau hai vụ nổ là tiếng súng vang lên từ các tay súng không rõ danh tính. Tại hiện trường vụ nổ là hố bom nhỏ cùng với nhiều mảnh quần áo dính máu vương vãi. Người bị thương đã được đưa tới vài bệnh viện sau vụ tấn công, trong đó có 7 người bị thương rất nặng.
Hiện trường vụ đánh bom tại tượng đài Chiến thắng ngày 19/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngay ngày trước đó, một người đàn ông tình nguyện làm bảo vệ ở khu vực kiểm tra người và phương tiện vào địa điểm biểu tình đã bị bắn trọng thương ở quận Lad Prao - nơi có một giao lộ chủ chốt bị người biểu tình chiếm đóng.
Ngày 17/1, đám đông người biểu tình ở một khu vực khác tại Bangkok cũng bị dính bom khiến một người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Theo Trung tâm thực thi trật tự và hòa bình của Thái Lan ngày 19/1, vụ tấn công này là do những người đi trong đoàn biểu tình gây ra. Vụ đánh bom có liên quan tới ít nhất hai người trà trộn vào đoàn người biểu tình. Cảnh sát Thái Lan khẳng định dựa trên các bằng chứng, băng video quay lại và các nhân chứng, quả bom không phải được ném từ trên tòa nhà bỏ hoang nằm trên tuyến đường người biểu tình đi qua như hiện trường ban đầu. Cảnh sát cho rằng vụ nổ này là nhằm vào người tham gia biểu tình chứ không phải ông Suthep, đồng thời bác cáo buộc liên quan tới vụ tấn công này.
Bất chấp các vụ nổ bom và xả súng nhằm vào người biểu tình, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban vẫn dẫn đầu hàng nghìn người tuần hành tại thủ đô Bangkok ngày 19/1 đòi Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức. Ông này thề tiếp tục biểu tình đến cùng. Tuy vậy, số người biểu tình đã giảm so với ngày đầu của chiến dịch và động lực biểu tình có thể đang “hụt hơi”.
Không hoãn bầu cử
Cùng ngày 19/1, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Thái Lan Varathep Rattanakorn cho biết không cần thiết phải có cuộc thảo luận giữa chính phủ và Ủy ban bầu cử quốc gia liên quan tới đề xuất hoãn cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 tới. Chính phủ không có quyền hoãn cuộc bầu cử. Nếu Ủy ban bầu cử muốn thực hiện đề xuất của mình, họ có thể tìm kiếm sự can thiệp của Tòa án Hiến pháp. Ủy ban bầu cử nên thực hiện đúng nhiệm vụ của mình là tổ chức bầu cử.
Tuyên bố này là phản ứng mới nhất từ phía chính phủ sau khi Ủy ban bầu cử quốc gia gửi thư đề nghị gặp riêng Thủ tướng tạm quyền Yingluck nhằm thảo luận về đề xuất hoãn bầu cử.
Trong khi đó, quân đội Thái Lan vẫn kiên định với lập trường đứng ngoài cuộc khủng hoảng chính trị. Sau các vụ bạo lực, Tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan Thanasak Patimapakorn chỉ kêu gọi các bên hóa giải bất đồng. Trước đó, tờ Bangkok Post dẫn lời ông Thanasak nói rằng ông không quan tâm tới việc trở thành thủ tướng và làm trung gian hòa giải.
Phát biểu của ông Thanasak được đưa ra trong khi dư luận đồn đoán rằng quân đội có thể vào cuộc chấm dứt sự bế tắc chính trị hiện nay để ngồi vào ghế thủ tướng.
Hà Linh (P/v TTXVN tại Thái Lan) - Thùy Dương