Ông Ibrahim Gashi đã bán báo tại thành phố Pristine suốt 35 năm nay song kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, ông thất nghiệp. Azem Qerkini – một kế toán và độc giả trung thành với báo in – nhớ về quãng thời gian ông phải đi tới Skopje để tìm mua báo. Trong khi đó Imer Mushkolaj – một phóng viên – lại mơ về khung cảnh vừa nhâm nhi tách cà phê sáng sớm vừa thư thái lật từng trang báo hàng ngày.
Cho tới tháng 3 năm ngoái, Kosovo vẫn có 5 tờ báo in hàng ngày mặc dù lượng phát hành của mỗi báo không lớn. Một trong số đó, báo Koha, bán được 10.000 tờ mỗi ngày vào những dịp tin tức được quan tâm nhất.
Tuy nhiên, khi đại dịch bùng phát, về cơ bản không còn tờ báo in hàng ngày nào được phát hành tại Kosovo. Các báo chỉ còn hoạt động dưới phiên bản báo mạng. Phóng viên Mushkolaj cho biết đại dịch COVID-19 là “giọt nước tràn ly, biến Kosovo trở thành nơi duy nhất tại châu Âu, hoặc có khi rộng hơn, không có báo in ngày".
Argon Bajrami – tổng biên tập tờ Koha Ditore – bày tỏ mong muốn báo ngày trở lại. “Rất nhiều người, đặc biệt là những người thuộc thế hệ lớn tuổi vẫn thích đọc báo in, được chạm tay vào tờ báo. Nhưng tại thời điểm này, điều đó là không thể nếu xét về bài toán kinh tế”, ông ngậm ngùi chia sẻ.
Tuy nhiên, báo mạng cũng là một thách thức kinh doanh đối với Koha Ditore. Tờ báo này đang phải đối mặt với khó khăn trong việc “tuyên truyền cho người dân biết họ cần phải trả tiền để đọc tin tức”, Tổng biên tập Bajrami cho hay.
Chính lệnh phong tỏa trong đại dịch COVID-19 đã đặt dấu chấm hết cho báo in. Trong nhiều tháng, người dân nhận lệnh ở trong nhà, không thể ra ngoài để mua báo. Điều đó kéo theo doanh thu mảng quảng cáo tại các báo bị cắt giảm. Người dân cũng chuyển hướng sang điện thoại di động và TV để cập nhật tin tức.
Nhằm đáp ứng sự thay đổi về xu hướng báo chí, các tòa soạn tập trung đào tạo phóng viên để làm báo mạng. “Công nghệ đã biến nhiều tòa soạn báo đang hoạt động từ báo in truyền thống phải thay đổi và đưa tin như thể họ đang truyền hình trực tiếp vậy”, ông Bajrami chia sẻ.
Bên cạnh thách thức về khả năng của phóng viên để thích nghi với xu hướng làm báo mới, các tòa soạn báo cũng gặp vấn đề trong định hướng đưa tin. Mushkolaj – người đứng đầu Hội đồng Báo in – cho biết các nền tảng trực tuyến hiện nay tập trung vào tốc độ đưa tin thay vì độ chính xác.
Độc giả, đặc biệt là những người lớn tuổi, sẽ khó có thể phân biệt đâu là thông tin thực trong vô số tin tức giả tràn lan trên mạng.
Còn Qerkini – người sưu tầm báo in – lại tin rằng thế hệ trẻ ở Kosovo sẽ không còn nắm được lịch sử khi không còn báo in.
“Sách in, báo in không thể bị thay thể bởi bất kỳ điều gì, bao gồm máy tính, Internet, Facebook, Twitter hay bất kỳ chương trình kỹ thuật nào. Kosovo đã dừng viết tiếp lịch sử, ít nhất là một năm”, Qerkini lý giải.
Nếu như không có sự hỗ trợ từ chính phủ, sẽ rất khó để có thể thấy báo in xuất hiện một lần nữa. Đối với ông chủ Gashi, mặc dù không còn báo in cho ông bán trong hơn 1 năm nay song nhiều người vẫn tìm đến ông để hỏi thăm tin tức về số phận báo in hoặc hỏi bao giờ báo in quay trở lại.