Báo Đức: Chất độc da cam/dioxin gây hậu quả cho nhiều thế hệ người Việt

Đúng thời điểm này 50 năm trước, Mỹ đã ngừng rải chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, nhưng cho tới tận ngày nay, hậu quả của chất độc này vẫn còn hiện hữu khi rất nhiều trẻ sinh ra bị khuyết tật.

Chú thích ảnh
Em Võ Thị Yến Nhi, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh bị bệnh xương thủy tinh, do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin từ người thân trong gia đình. Em không tự đi lại được nhưng vẫn ham học, hằng ngày được mẹ cõng đến trường và nằm học. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn bài viết trên báo Frankfurter Rundschau (FR) cho biết ngày 7/1/1971, máy bay của Không quân Mỹ cất cánh lần cuối để rải chất độc hóa học da cam/dioxin xuống các cánh đồng và khu rừng ở Việt Nam. Trước đó 10 năm, vào tháng 11/1961, Tổng thống Mỹ John Kennedy phát động Chiến dịch "Ranch Hand" nhằm rải các loại chất độc hóa học khác nhau xuống các khu rừng Việt Nam. Chúng được chứa trong những thùng có sọc xanh lam hoặc cam, trong đó chất độc da cam/dioxin gây tổn hại lớn nhất và được sử dụng nhiều nhất. Các chất độc hóa học này do một số công ty cung cấp như Dow Chemical, Monsanto (thông qua Công ty hóa chất Mobay - công ty con của Monsanto và tập đoàn Bayer AG của Đức). Công ty Dow Chemical thậm chí còn cung cấp cho các lực lượng Mỹ cả chất nổ Napalm cho tới năm 1969.

Bài báo cho biết "lô hàng giết người" đầu tiên được chuyển tới miền Nam Việt Nam vào ngày 9/1/1962 và tính đến ngày 7/1/1971, không quân Mỹ đã xuất kích 6.542 lượt máy bay để rải hơn 20 triệu thùng chất độc xuống miền Nam Việt Nam. Hậu quả là hơn 20% diện tích rừng ở miền Nam bị rải chất phát quang độc hại  ít nhất một lần và 10 triệu ha đất nông nghiệp bị hủy hoại. Các hành động rải chất độc được bí mật thực hiện cho tới cuối năm 1965. Chỉ đến khi vấn đề được đưa ra Quốc hội Mỹ, Chính phủ Mỹ mới tuyên bố đó không phải là thực hiện chiến tranh hóa học, mà "đơn thuần" là chất diệt cỏ nhằm phá hủy mùa màng của nông dân miền Nam, những người được cho đã hỗ trợ những người lính giải phóng từ miền Bắc vào.

Tác giả bài báo dẫn số liệu của Chính phủ Việt Nam ước tính có khoảng 4 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin với những hậu quả nghiêm trọng còn kéo dài cho tới ngày nay. Chất độc đã ngấm sâu vào đất và xâm nhập vào các mạch nước ngầm, trong khi những căn cứ được Mỹ sử dụng để cất giữ các thùng hóa chất cũng bị nhiễm độc nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau những tranh chấp kéo dài, tới những năm 1990 của thế kỷ trước, một số binh sĩ Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tiếp xúc với chất độc da cam/dioxin đã được bồi thường, trong khi các nạn nhân Việt Nam cho đến nay vẫn chưa nhận được bồi thường. Theo bài báo, mặc dù các chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama đã viện trợ cho Việt Nam gần 100 triệu USD trong một chương trình làm sạch sinh thái, nhưng nghịch lý là vào năm 2016, Mỹ đã chi tới 1,4 tỷ USD chỉ để làm sạch một đoạn sông Passaic bị nhiễm chất độc da cam/dioxin dài chưa đầy 13 km ở bang New Jersey.

Mạnh Hùng (TTXVN)
Đổi mới nhiều hoạt động trợ giúp nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Đổi mới nhiều hoạt động trợ giúp nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Hội nghị lần thứ Ba, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2018-2023 diễn ra ngày 7/12, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN