Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, tuần này đánh dấu 10 năm (2011-2021) kể từ khi 13 quốc gia đầu tiên ký Công ước, được coi là bước ngoặt trong nỗ lực giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ. Một thập kỷ sau khi ra mắt Công ước Istanbul, phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với cuộc tấn công, ảnh hưởng đến quyền và sự an toàn của họ.
Bà Dubravka Simonovic đánh giá đại dịch COVID-19 làm bộc lộ những gì đã xảy ra trước đó. Các cuộc gọi vào đường dây nóng hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực gia đình, báo cáo về việc phụ nữ mất tích hoặc bị sát hại và thiếu nơi trú ẩn an toàn cho những người chạy trốn bị lạm dụng đã gia tăng đáng kể trên khắp thế giới.
Bất chấp việc rút khỏi Công ước Istanbul của một số nước, các nhà vận động và các nhóm quyền của phụ nữ vẫn khẳng định công ước này vẫn là vũ khí mạnh mẽ trong cuộc chiến chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới.
Báo cáo viên đặc biệt của LHQ cũng đề cập đến nỗ lực của các nước trong bảo vệ quyền của phụ nữ. Điển hình là việc có 34 nước tham gia ký Công ước Istanbul đã ban hành các luật mới để bảo vệ phụ nữ trước khi tham gia ký kết văn kiện nêu trên.
Một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra một thực tế đáng quan ngại rằng, nạn bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn phổ biến trên thế giới, khi cứ 3 người phụ nữ thì lại có 1 người (khoảng 736 triệu phụ nữ) từng phải chịu cảnh bạo lực thể chất hoặc tình dục trong đời. Theo đánh giá của WHO thì, tỷ lệ này hầu như không thay đổi trong thập kỷ qua.
WHO cũng chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đang khiến nạn bạo lực đối với phụ nữ trở nên nghiêm trọng hơn do các biện pháp phong thỏa và các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu bị ngắt quãng.