Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, trong đó có rất nhiều người bạn Pháp. Họ đã góp tiếng nói chính nghĩa ủng hộ Việt Nam đồng thời lên án hành động xâm lược và chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc.
Ông Jean-Pierre Bel phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm về 54 dân tộc Việt Nam tại khuôn viên trụ sở Thượng viện. |
Bà Hélène Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp - Việt: "Tôi phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc khi đặt giàn khoan tại vùng biển của Việt Nam. Thông qua Hội hữu nghị Pháp - Việt, chúng tôi đã ra Tuyên bố yêu cầu Trung Quốc rút ra khỏi khu vực này và ngừng tiến hành các hành động khiêu khích, xâm lược, các hành vi áp đặt sự đã rồi. Tôi nhận thấy Việt Nam đã thể hiện thiện chí trong việc mong muốn vụ việc được giải quyết hòa bình, Trung Quốc cần phải thể hiện cách ứng xử giống như Việt Nam. Hiện nay, bạo lực đang leo thang ở rất nhiều nơi trên thế giới, vì vậy không nên biến Đông Nam Á thành một khu vực gia tăng căng thẳng và bạo lực".
Ông Jean-Pierre Bel, Chủ tịch Thượng viện Pháp: "Chúng tôi đã cảm ơn Việt Nam về thái độ kiềm chế trong cách thức xử lý, cho phép Việt Nam không những bảo vệ quyền hợp pháp của mình mà còn thúc đẩy để nhanh chóng đạt được một giải pháp hòa bình. Pháp rất quan ngại trước tình hình hiện nay và đã đề cập vấn đề với cả Việt Nam và Trung Quốc. Chúng tôi không muốn can thiệp vào vấn đề, nhưng chúng tôi muốn bày tỏ tình đoàn kết và muốn hai nước nhanh chóng tìm ra giải pháp hòa bình cho tình hình hiện nay".
Bà Hélène Luc tại buổi biểu tình chống hành động sai trái của Trung Quốc trên quảng trường Trocadéro, Paris. |
Ông Paul Fromonteil, Ủy viên danh dự vùng Poitou-Charentes, Chủ tịch Ủy ban 86 trực thuộc Hội hữu nghị Pháp - Việt: "Tôi theo dõi sát những gì đang diễn ra trên Biển Đông và lo ngại rằng tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn, trong bối cảnh nhiều sự kiện phức tạp đang xảy ra dồn dập trên thế giới khiến người ta e ngại những xung đột như vậy sẽ phát triển thành một cuộc khủng hoảng quốc tế. Tôi cho rằng Trung Quốc cần phải nỗ lực để giải quyết tình hình. Tôi hy vọng tình hình hiện nay sẽ được giải quyết, các quyền của Việt Nam phải được tôn trọng và Trung Quốc phải thực tâm đóng góp vào việc giải quyết một vấn đề có thể phát sinh thành một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn".
Ông Philippe Chaplain, Chủ tịch Hiệp hội Di sản quốc gia Pháp: "Bản chất của vấn đề là tất cả các nước đều công nhận nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan là vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các tài liệu cổ, các bản đồ cổ đã chứng minh điều đó. Đó là một điều hiển nhiên, một sự thật lịch sử... Việt Nam phải tăng cường tuyên truyền, cập nhật thông tin hàng ngày, phải mở rộng việc sử dụng mạng xã hội, để cho công luận quốc tế nhận thức đúng vấn đề".
Ông Jean-Charles Nègre, Phó Chủ tịch Hội đồng tỉnh Seine-Saint-Denis: "Không có dân tộc nào được tự cho mình quyền đứng cao hơn các dân tộc khác. Chủ nghĩa bá quyền dưới bất kỳ hình thức nào đều là không chấp nhận được. Các sự kiện nghiêm trọng đang diễn ra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế và cần phải bị lên án. Một giải pháp chính trị thông qua đối thoại cần phải được tiến hành ngay lập tức trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982".
Nữ nhà báo Madeleine Riffaud: "Những gì đang diễn ra ở Việt Nam, tôi hoàn toàn không mong chờ điều đó, vì tôi hiểu lịch sử của đất nước này, đất nước mà tôi vô cùng yêu quý... Bởi vậy, tôi không cảm thấy lo lắng, tôi tin tưởng vào nhân dân Việt Nam, tin tưởng vào sự trong sáng của tâm hồn người Việt Nam, sự quyết tâm của người Việt Nam, họ sẽ biết cách bảo vệ đất nước mình, và chúng ta sẽ luôn ở bên cạnh họ".
Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)