Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với những người sở hữu và quản lý các công trình lịch sử lớn nằm dọc sông Loire.
Ông Xavier Leleve, chủ tòa lâu đài Meung-sur-Loire ở bên bờ sông Loire, thường chi 15.000 - 20.000 euro cho việc sưởi ấm, thắp sáng và khí đốt vào mùa Đông để đảm bảo lâu đài có thể mở cửa đón khách. Nhưng ông cho biết năm nay con số này sẽ tăng gấp 5-10 lần và không thể chi trả nhiều tiền đến thế cho năng lượng. Việc này sẽ “ngốn” phần ngân sách dành cho các khoản mục khác, ví dụ như tu sửa một số nơi trong lâu đài. Ông cho biết chi phí sửa chữa mỗi cửa sổ là khoảng 10.000 euro, trong khi lâu đài có tới 148 cửa sổ.
Cách Meung-sur-Loire khoảng 1 giờ lái xe về phía hạ lưu sông Loire là lâu đài Cheverny mang phong cách nhà của Thuyền trưởng Haddock trong truyện “Những cuộc phiêu lưu của Tintin” thuộc về gia đình de Vibraye trong 6 thế kỷ qua. Ngày nay, một số người trong gia đình này vẫn đang sống ở đây. Phần còn lại của tòa lâu đài cùng với không gian ngoài trời được dùng làm nhà hàng và một khu triển lãm Tintin và mở cửa cho du khách tham quan.
Chủ lâu đài, Charles-Antoine de Vibraye đã quyết định hành động tốt nhất để giữ ấm cho ngôi nhà lớn của gia đình mình trong mùa Đông là… không làm gì cả. Ông De Vibraye cho biết việc kinh doanh nhà hàng và triển lãm đủ để bù đắp khoản chi phí tăng thêm khi mua khoảng 20.000-40.000 lít dầu sưởi mỗi năm.
Ông cũng không có kế hoạch gia cố phần cách nhiệt của tòa lâu đài bởi “điều đó chỉ khiến thêm nấm mốc và côn trùng dễ dàng ăn gỗ”. Song, ông cho biết: “Cần giới hạn mức nhiệt sưởi ở thấp nhất để không ảnh hưởng đến chu kỳ an toàn của sự thay đổi nhiệt bên trong một công trình lịch sử. Việc duy trì nhiệt độ ổn định tốt hơn cho những nội thất cổ”.
Xa thêm một chút về phía Nam, tại lâu đài Chambord, thuộc sở hữu của nhà nước, 4 lò sưởi ở dưới một cầu thang cuốn là nguồn cung cấp nhiệt duy nhất cho du khách đến đây. Tuy nhiên, cũng cần sưởi ấm cho các văn phòng, quầy lưu niệm và 40 phòng trong tòa lâu đài này đều ấm áp. Jean d'Haussonville, người quản lý khu bất động sản này, cho biết: “Ngân sách cho năng lượng đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua. Chúng tôi phải tăng từ 260.000 euro lên hơn 600.000 euro trong ngân sách cho năm 2023”.
Lâu đài Chambord là một phần của Thung lũng Loire được Tổ chức Khoa học, văn hóa và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới. Ngân sách thường niên cho lâu đài là 30 triệu euro, trong đó, hóa đơn năng lượng dự kiến chiếm phần lớn.
Ông d'Haussonville cho biết thực tế mới đã đặt ra câu hỏi nghiêm túc về việc làm thế nào chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế như lắp đặt các tấm năng lượng Mặt trời. Trong những tháng tới, nhà quản lý cũng sẽ xây dựng một xưởng cưa tại khu rừng rộng 50 km2 của lâu đài này và cân nhắc lấy gỗ trong rừng để giữ ấm cho lâu đài về lâu dài.
Đến nay, các nhà quản lý hy vọng một hệ thống IT mới có thể giúp tránh những chi phí không cần thiết và đang tiếp tục một cuộc thảo luận về việc chiếu sáng bằng đèn LED. Ông d'Haussonville cho biết: “Đây là một chương trình cho phép tắt đèn khi không có ai trong phòng và giảm nhiệt độ xuống còn 8 độ C vào ban đêm”. Đây là cách để giảm ít nhất 10% năng lượng tiêu thụ vào năm tới.