Mỹ là quốc gia thường xuyên hứng chịu các cơn bão lớn như: Katrina (2005), Sandy (2012), và gần đây là cơn bão Ian (2022)… ở các vùng ven biển Đại Tây Dương và Vịnh Mexico. Những cơn bão này đã để lại hậu quả tàn khốc về cả người và tài sản. Sức tàn phá của bão Helene đang gây lo ngại về khả năng tái diễn những thiệt hại nặng nề giống như các cơn bão trước. Do đó, việc phòng chống và chuẩn bị tốt cho các cơn bão lớn là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ người và tài sản.
Việc theo dõi thông tin bão là một trong yếu tố quan trọng trong việc phòng chống thiên tai. Các cơ quan chính phủ như: Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) và Trung tâm Bão Quốc gia (NHC) chuyên cung cấp thông tin chi tiết về sự hình thành và di chuyển của các cơn bão, liên tục cập nhật tình hình qua các phương tiện truyền thông, giúp người dân nắm bắt được đường đi, tốc độ và mức độ nguy hiểm của cơn bão. Việc này giúp người dân ở các khu vực có nguy cơ cao có thể chuẩn bị kịp thời, từ việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men cho đến việc tìm nơi trú ẩn an toàn.
Tiếp đến là kế hoạch sơ tán và bảo vệ tài sản. Khi một cơn bão lớn sắp đổ bộ, chính quyền địa phương và bang thường có các kế hoạch sơ tán cho cư dân ở những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt hoặc chịu ảnh hưởng mạnh từ bão. Bên cạnh việc tuân thủ các lệnh sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng, người dân cần thực hiện các biện pháp để bảo vệ tài sản cá nhân như gia cố cửa sổ, di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn và tránh để xe cộ ở các khu vực dễ ngập.
Chính phủ Mỹ đầu tư rất nhiều vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng để đối phó với bão. Sau cơn bão Katrina năm 2005, hệ thống đê điều, cống thoát nước, và các công trình bảo vệ chống ngập lụt ở New Orleans đã được nâng cấp đáng kể. Tuy nhiên, không chỉ New Orleans, các thành phố ven biển khác cũng phải chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để ứng phó trước các cơn bão mạnh.
Mỹ cũng sử dụng công nghệ dự đoán và mô phỏng để chống bão, công nghệ hiện đại này đã cho phép các nhà khoa học sử dụng các mô hình trên máy tính để dự đoán đường đi và cường độ của bão với độ chính xác cao hơn. Cách mô phỏng này giúp cảnh báo sớm và tạo điều kiện cho chính quyền địa phương có thời gian để đưa ra các biện pháp đối phó.
Hiện nay bão Helene đang tiếp tục di chuyển về phía bờ biển phía Đông nước Mỹ. Theo các dự báo từ NHC, bão Helene có thể gây ra mưa lớn và ngập lụt ở một số khu vực, đe dọa đời sống của hàng triệu người dân. Tương tự như các cơn bão trước, chính quyền các bang trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão và chính quyền liên bang đã nhanh chóng ban hành các lệnh sơ tán và cung cấp thông tin cập nhật liên tục về tình hình bão Helene.
Các biện pháp phòng chống mà chính phủ và người dân đang thực hiện trong cơn bão Helene cũng không khác nhiều so với các cơn bão lớn trước đây. Các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề đã được cảnh báo sớm, trong khi các biện pháp như gia cố nhà cửa, sơ tán người dân và chuẩn bị cơ sở hạ tầng đang được thực hiện. Các đội cứu hộ cũng đã được triển khai để sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.
Tuy nhiên, với sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các cơn bão như Helene có thể ngày càng mạnh hơn và khó dự đoán hơn. Điều này đòi hỏi Mỹ phải tiếp tục đầu tư vào các biện pháp phòng chống bão dài hạn, bao gồm cả việc cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao khả năng dự đoán của các hệ thống khí tượng.
Đặc phái viên Mỹ về Biến đổi Khí hậu dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, Todd Stern từng cảnh báo: "Càng chậm trễ hành động chống biến đổi khí hậu, càng khó để tránh những tác động tồi tệ nhất”.
Việc phòng chống các cơn bão lớn ở Mỹ đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ chính phủ, các tổ chức và từng cá nhân. Từ việc theo dõi thông tin, thực hiện sơ tán đến đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại. Cơn bão Helene chính là lời nhắc nhở rằng dù đã được dự đoán tốt hơn, nhưng sự chuẩn bị và cảnh giác vẫn là yếu tố quyết định trong việc bảo vệ cộng đồng trước thiên tai.