“Đống hoang tàn” sau cơn lũ
Ngày 10/9, bão Daniel mang theo mưa lớn đã gây lũ lụt nghiêm trọng, đổ bộ vào miền Đông Libya. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ước tính trong 24 giờ tính từ ngày 10/9, một số vùng ở Libya ghi nhận lượng mưa lên tới 414,1 mm – thiết lập kỷ lục mới tại khu vực. Hầu hết lượng mưa này trút xuống trong 6 giờ, khiến hai con đập của thành phố Derna, thuộc miền Đông Libya, vỡ cùng lúc. Nước lũ ồ ạt trút xuống khu vực hạ lưu, cuốn trôi nhiều nhà cửa và người dân.
Theo số liệu chính thức mới nhất mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 18/9, ít nhất 3.958 người thiệt mạng và hơn 9.000 người vẫn còn mất tích sau thảm kịch lũ quét. Đây là số liệu đã được Liên hợp quốc chỉnh sửa, sau khi báo cáo ban đầu của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đưa ra ước tính hơn 11.300 người thiệt mạng. Trận lũ quét cũng khiến hơn 34.000 người phải di dời.
Trên trang Facebook chính thức, Hội đồng thành phố Derna ngày 11/9 thông báo rằng “tình hình rất thảm khốc và ngoài tầm kiểm soát”, kêu gọi sự can thiệp cấp thiết của cộng đồng quốc tế và mở hành lang biển do hầu hết các tuyến đường của thành phố bị đóng sập.
Hai chính quyền song song, chính phủ miền Tây đất nước được Liên hợp quốc công nhận ở Tripoli và chính phủ do tướng quân sự Khalifa Haftar dẫn dắt ở miền Đông, quyết định để tang 3 ngày nhằm tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa.
Nỗ lực cứu hộ gặp khó khăn
Ngay sau trận lũ quét, hai chính quyền tại Libya đã tạm gác lại những mâu thuẫn, cùng nhau phối hợp cứu trợ dân sau lũ lụt. Theo ông Tauhid Pasha, một quan chức thuộc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của LHQ, chính quyền phía Đông và phía Tây đều đã yêu cầu viện trợ quốc tế và đàm phán với nhau. Bộ Xử lý tình huống khẩn cấp Libya cho biết các nhóm cứu hộ và cứu nạn từ khắp nơi trên cả nước đều đổ về thành phố Derna. Cũng trong ngày 12/9, chính phủ Libya đã huy động một máy bay vận chuyển 14 tấn vật tư y tế và đưa hàng chục chuyên gia y tế tới thành phố Benghazi để hỗ trợ công tắc khắc phục hậu quả sau lũ.
Trước lời kêu gọi hỗ trợ từ hai chính quyền, cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng chung tay giúp sức. Ngày 13/9, OCHA cho biết các đội ứng phó khẩn cấp đã được huy động để hỗ trợ các nạn nhân lũ lụt tại Libya. Trong khi đó, chính phủ nhiều nước như Đức, Romania và Phần Lan đã gửi viện trợ đến Libya. Liên minh châu Âu chính thức kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự của liên minh để huy động nguồn hỗ trợ quốc gia Bắc Phi này. Cùng ngày, chính phủ Anh thông báo sẽ gửi “gói viện trợ ban đầu” trị giá 1 triệu bảng Anh (1,25 triệu USD) để hỗ trợ các nạn nhân chịu ảnh hưởng.
Một loạt quốc gia khác như Italy, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Tunisia thông báo họ đã cử nhân viên và chuyên gia cùng với tàu hỗ trợ logistics và vật tư y tế đến Libya. Văn phòng Tổng thống Algeria nói rằng nước này đã cử 8 máy bay để vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới Libya trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cử 3 máy bay chở các đội tìm kiếm và cứu nạn và hàng cứu trợ nhân đạo tới quốc gia gặp thiên tai.
Công tác cứu hộ, cứu nạn diễn ra hết sức khẩn trương, song gặp nhiều khó khăn do nước lũ đã phá hủy nhiều con đường dẫn đến khu vực bị ảnh hưởng cũng như thiếu thốn các thiết bị cứu hộ đặc dụng.
Các lực lượng cứu hộ vẫn kiên trì đào xới trong bùn lầy và những đống đổ nát để tìm kiếm thi thể nạn nhân và những người có thể còn sống sót. Tuy nhiên, họ cho biết do phần lớn thi thể đều ở dưới nước và các thi thể đang phân hủy nghiêm trọng nên cần đến thợ lặn cũng như công cụ như thuyền đặc dụng để thu hồi.
Theo báo cáo của OCHA, việc thiếu dữ liệu chính xác và đáng tin cậy ở các khu vực bị ảnh hưởng đặt ra một thách thức đáng kể cho công tác cứu hộ; các thách thức về tiếp cận và những báo cáo không đồng nhất từ nhiều nguồn càng làm tăng thêm khó khăn trong việc điều phối và triển khai hiệu quả hỗ trợ nhân đạo.
Đề cập đến những vấn đề ưu tiên trong công tác hỗ trợ Libya khắc phục thảm họa do lũ lụt gây ra, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths cho rằng ngoài nhu yếu phẩm hằng ngày và nơi trú ẩn tạm thời, quốc gia Bắc Phi cần chuẩn bị trang thiết bị và chăm sóc y tế cơ bản để ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh tả do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nước lũ.
Trước việc thi thể các nạn nhân được an táng tại các hố chôn tập thể bên ngoài thành phố Derna cũng như tại các thị trấn lân cận, WHO và các nhóm hỗ trợ khác cho rằng hành động này có thể gây ra những hậu quả nặng nề về mặt xã hội, pháp lý cũng như gây ra nỗi đau tinh thần về lâu về dài đối với thân nhân gia đình của nạn nhân.
Day dứt từ nỗi đau thảm họa
Theo đánh giá của WMO, tác động của biến đổi khí hậu và thiếu năng lực ứng phó khẩn cấp trước thảm họa là hai nguyên nhân chính khiến hàng nghìn người thiệt mạng trong thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại tại Libya.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas chỉ ra nếu các cơ quan chức năng có sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ hơn thì họ đã có thể đưa ra các cảnh báo sơm và lực lượng ứng phó khẩn cấp với thảm họa đã có thể tiến hành công tác sơ tán người dân, giúp cứu sống được phần lớn con số thiệt mạng hiện nay.
Ngày 16/9, Tổng công tố Libya al-Sediq al-Sourthông báo đã cho mở cuộc điều tra về vụ vỡ hai con đập. Ông nêu rõ đối tượng điều tra là chính quyền đương nhiệm và tiền nhiệm tại thành phố Derna.
Theo những gì đã diễn ra trong thực tế, giới chức địa phương tại Derna đã cảnh báo người dân về cơn bão sắp đổ bộ và ngày 9/9, họ cũng ra lệnh cho người dân sống tại khu vực duyên hải ở Derna đi sơ tán, do lo ngại nước biển dâng cao. Tuy nhiên, không có cảnh báo về nguy cơ vỡ đập được đưa ra và điều không may này đã xảy đến vào rạng sáng 11/9 khi hầu hết người dân vẫn còn đang trong giấc ngủ.
Một báo cáo của cơ quan kiểm toán nhà nước vào năm 2021 cho biết hai con đập đã không được bảo trì mặc dù đã phân bổ hơn 2 triệu USD cho mục đích đó vào năm 2012 và 2013.